24 năm trước, cô gái 17 tuổi Lee So Yeon tình nguyện nhập ngũ vào quân đội Triều Tiên. Cũng như hàng nghìn cô gái khác cùng trang lứa, nhập ngũ là cách để Yeon đảm bảo có cơm ăn hàng ngày, dù cô sinh ra và lớn lên trong gia đình có bố là giáo sư đại học ở một tỉnh phía bắc Triều Tiên, theo BBC.
Ngày đầu nhập ngũ, cô thiếu nữ Yeon vui sướng khi được phát chiếc máy sấy tóc. Sau này cô mới biết rằng hiếm khi cô dùng đến chiếc máy sấy tóc đó vì không phải lúc nào cũng có điện. Cô cũng sớm nhận ra rằng cuộc sống trong quân ngũ khắc nghiệt hơn những gì đã tưởng tượng.
Đến bây giờ, Yeon vẫn nhớ rõ mùi mồ hôi của hơn 10 con người ít khi được tắm rửa ám vào những tấm nệm rơm trong căn phòng chật kín giường tầng tại doanh trại xây bằng bê-tông.
"Chúng tôi đổ mồ hôi khá nhiều. Tất cả mùi cơ thể ám vào tấm nệm làm bằng rơm. Thứ mùi đó không dễ chịu gì", Yeon nhớ lại.
Yeon cùng hơn 10 nữ đồng đội khác chen chúc trong một căn phòng. Mỗi người được phát một ngăn tủ để đựng quân phục. Yeon nhớ trên nóc tủ là hai khung ảnh của cố lãnh tụ Kim Nhật Thành và nhà lãnh đạo Triều Tiên lúc bấy giờ là ông Kim Jong-il.
"Một trong những điều khó khăn nhất lúc đó với chúng tôi là không được tắm rửa thường xuyên", Yeon nói. "Bởi vì làm gì có nước nóng. Họ dẫn thẳng nước từ một con suối chảy từ khe núi xuống qua một đường ống. Chúng tôi từng hứng cả ếch và rắn qua đường ống đó".
Yeon nhớ lại tất cả binh sĩ, dù nam hay nữ, đều trải qua chương trình luyện tập giống nhau. Thời gian huấn luyện thể lực của nữ quân nhân ngắn hơn, nhưng bù lại, họ phải đảm nhiệm toàn bộ công việc lau dọn và nấu nướng.
Chương trình tập luyện khắc nghiệt cộng với khẩu phần ăn ít ỏi đã khiến Yeon và nhiều nữ đồng đội suy nhược cơ thể. "Sau 6 tháng cho tới một năm trong quân ngũ, chúng tôi không thấy có kinh nguyệt nữa vì ăn uống thiếu chất và môi trường căng thẳng", Yeon nhớ lại.
Thời của Yeon, phụ nữ gia nhập quân đội trên tinh thần tự nguyện. Nhưng kể từ năm 2015, Triều Tiên bắt buộc mọi phụ nữ trên 18 tuổi phải hoàn thành nghĩa vụ quân sự 7 năm, chỉ một số ít có năng khiếu đặc biệt trong lĩnh vực như thể thao hay âm nhạc mới được miễn nghĩa vụ quân sự. Trong khi đó, thời gian thực hiện nghĩa vụ của đàn ông Triều Tiên là 10 năm.
Yeon rời quân ngũ năm 28 tuổi, khi đó cô giữ quân hàm trung sĩ tại một đơn vị gần biên giới với Hàn Quốc. Sau khi giải ngũ, cô cảm thấy lạc lõng với cuộc sống đời thường và phải vật lộn để kiếm sống. Vào năm 2008, Yeon quyết định đào thoát sang Hàn Quốc.
Trong lần đào tẩu đầu tiên, cô bị bắt tại biên giới với Trung Quốc và phải vào trại cải tạo một năm. Ngay sau khi được tự do, Yeon đào thoát lần thứ hai bằng cách bơi qua sông biên giới Tumen. Sau khi đặt chân đến Trung Quốc, nhờ sự giúp đỡ của một người môi giới, cô tới Hàn Quốc thành công.
Thống kê cho thấy gần 70% người Triều Tiên đào tẩu là phụ nữ. Hơn một nửa trong số đó ở độ tuổi 20-30, một phần có thể do người trẻ mới có đủ sức khỏe để bơi qua sông và chịu đựng hành trình đào tẩu dài ngày.
An Hồng