Con dâu của Wang Dewen lo lắng rằng thương nhân Trung Quốc này có có thể đã chết. Vợ của ông Wang tin chồng bà đang đi công tác. Tuy nhiên, cả hai người thân của Wang đều chắc chắn một điều: người đàn ông này không liên quan gì với Triều Tiên, theo AFP.
Tuy nhiên, theo hồ sơ của Liên Hợp Quốc, Wang Dewen là người hoàn toàn khác những gì gia đình của ông này miêu tả. Wang là một trong số nhiều tay môi giới Trung Quốc có thể đã giúp Bình Nhưỡng xây dựng một phi đội 300 máy bay không người lái. Mạng lưới những kẻ môi giới này, theo các chuyên gia quốc tế, đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng giúp Triều Tiên sở hữu và vận hành những chiếc máy bay không người lái do thám hệ thống phòng thủ tiên lửa của Mỹ ở Hàn Quốc và chụp các bức ảnh Nhà Xanh ở thủ đô Seoul.
Năm ngoái, báo cáo Liên Hợp Quốc nhận định Triều Tiên "phụ thuộc vào các tay môi giới Trung Quốc và dùng tiền mặt để thanh toán cho các hạng mục thương mại được dùng vào mục đích quân sự".
Các công ty của Trung Quốc cũng bị cáo buộc bán cho Triều Tiên xe tải để vận chuyển các khẩu pháo, các bộ phận khác của tên lửa và các loại aluminium đặc biệt dùng trong chương trình phát triển hạt nhân, theo nghiên cứu của Liên Hợp Quốc.
Washington hiện gây áp lực nhằm buộc Bắc Kinh ngăn chặn việc mua bán bất hợp pháp giữa thương nhân nước này và chính quyền Bình Nhưỡng. Một nhóm các chuyên gia của Liên Hợp Quốc đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc giải trình cách thức những chiếc máy bay không người lái được tuồn vào Triều Tiên. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn chưa hồi đáp. Còn Bộ Ngoại giao nước này nhấn mạnh rằng "Trung Quốc luôn thực hiện nghị quyết của Hội đồng Bảo An một cách toàn diện và nghiêm ngặt" và khẳng định các hành động vi phạm nghị quyết "sẽ được xử lý theo luật pháp".
Hành tung bí ẩn
Wang Dewen lọt vào tầm ngắm của các chuyên gia của Liên Hợp Quốc nhưng rất khó để lần theo dấu vết của tay môi giới này. Văn phòng công ty tại thành phố vành đai phía bắc Thẩm Dương của Wang đã sang tay cho chủ thuê mới. Liên lạc qua email cũng không có kết quả.
"Cha tôi chết rồi", con dâu của Wang nói khi ra mở cửa cho phóng viên vào căn hộ chung cư cao cấp trong nội đô. Sau đó vài giây, vợ của Wang bước ra và khẳng định chồng của bà vẫn còn sống và "đang làm ăn ở trong nước" chứ không phải ở Triều Tiên.
Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc vào năm 2016, Wang đã bán cho Bình Nhưỡng máy ảnh cỡ nhỏ chuyên chụp trong điều kiện thiếu sáng, một thiết bị hỗ trợ đắc lực cho máy bay không người lái trong các nhiệm vụ do thám.
Công ty của Wang đăng ký giấy phép kinh doanh ở Hong Kong và lấy tên là HK Conie Technology, đã đấu thầu mua các thiết bị quân sự này từ một nhà cung cấp có trụ sở ở Anh vào năm 2014. Và trong giấy phép xuất khẩu nộp cho chính phủ Anh, công ty của Wang khai cung ứng máy ảnh cho các công ty trong nước để đảm bảo an ninh. Báo cáo của Liên Hợp Quốc kết luận thực chất khách hàng của Wang là "một nhà thầu quân sự" ở Triều Tiên. Các chuyên gia để mắt tới Wang nhờ chính phủ Anh thấy nghi ngờ nên từ chối phê duyệt giấy phép xuất khẩu rồi báo trường hợp này cho Liên Hợp Quốc.
Wang phủ nhận cáo buộc và khẳng định công ty HK Conie chỉ thực hiện các giao dịch dân sự với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên ông này thừa nhận đã cho phép một số công ty Triều Tiên "núp" dưới danh nghĩa của HK Conie nhằm mục đích hưởng giá "nội địa" khi giao dịch với các nhà cung ứng Trung Quốc. Đồng thời, Wang thừa nhận có tài khoản ngân hàng ở Triều Tiên để "tiện giao dịch".
"Ông nhà tôi chưa bao giờ nói với tôi về những chuyện đó", vợ Wang cho biết.
Kể từ năm 2014, các nhà điều tra đã tìm thấy ít nhất xác của 5 thiết bị không người lái được cho là của Triều Tiên và phát hiện ra những bằng chứng chứng minh mối liên hệ của các công ty Trung Quốc với chương trình quân sự của Bình Nhưỡng.
Gần đây nhất vào tháng 5/2017, một chiếc máy bay không người lái được tìm thấy ở vùng núi của Hàn Quốc gần địa điểm tổ chức Thế vận hội Mùa Đông PyeongChang. Sau khi giám định, chiếc máy bay này đã bay 5 giờ bay và nhiều khả năng xuất phát từ Bình Nhưỡng. Các nhân viên điều tra tìm thấy trong chiếc máy bay hơn 12 bức ảnh chụp hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD mà quân đội Mỹ lắp đặt ở Hàn Quốc.
Dù mã seri để truy xuất nguồn gốc sản xuất của chiếc máy bay đã bị làm mờ, các nhà điều tra vẫn tìm ra được nhà chế tạo động cơ và hệ thống lái tự động là công ty RedChina Geosystems có trụ sở ở Bắc Kinh, thông tin này trùng khớp với một chiếc khác rơi ở đảo Baengnyeong vào năm 2014.
"Người Trung Quốc mua các thiết bị của chúng tôi", giám đốc điều hành RedChina băn khoăn. "Làm sao chúng lại xuất hiện ở Triều Tiên được? Tôi chịu".
An Hồng