Bạc Hy Lai trao danh hiệu "Vệ sĩ của nhân dân Trùng Khánh" cho Vương Lập Quân với thành tích trong phong trào "đả hắc trừ gian" ngày 28/2/2010. Ảnh: Chnsuv |
Vương Lập Quân, từng là giám đốc an ninh ở một thành phố ở tỉnh Liêu Ninh, sau đó được Bạc Hy Lai đưa về làm phó thị trưởng thành phố trực thuộc trung ương Trùng Khánh. Cảnh tượng Vương Lập Quân hứng chịu sự giận dữ của ông Bạc được một nguồn tin thân cận với ông Bạc kể lại.
Hai tháng trước đó, tháng 11/2011, một sự kiện đã xảy ra, kéo theo hàng loạt các vấn đề khiến liên minh lâu năm Bạc-Vương sụp đổ. Một người đàn ông nước ngoài được phát hiện chết trong khách sạn ở quận Nam Ngạn, Trùng Khánh. Người nước ngoài đó là doanh nhân người Anh, Neil Heywood.
Cảnh sát công bố lý do Heywood chết là do "uống rượu quá mức" và hỏa táng thi thể ông.
Tuy nhiên, Heywood lại không phải một người hay uống rượu. Cơ quan an ninh thành phố nghi ngờ có gian dối và tiến hành điều tra như một vụ án giết người. Quá trình điều tra cho ra kết quả nghi phạm là bà Cốc Khai Lai, vợ ông Bạc. Bà Cốc có quan hệ gần gũi với nạn nhân Heywood.
Người đứng đầu cơ quan an ninh Vương Lập Quân thông báo với Bạc Hy Lai rằng vợ ông đang nằm trong diện tình nghi của vụ việc giết hại doanh nhân người Anh khiến ông Bạc tức giận. Khi bị ông Bạc tát, Vương đột ngột nói, "tôi biết cách đối phó với vấn đề này, hãy tin tôi" và ngay lập tức rời khỏi phòng, các quan chức trong đảng ủy cho biết.
Tuy nhiên, Bạc Hy Lai dường như không tin tưởng Vương Lập Quân. Các cấp dưới của Vương, những người đang điều tra mối liên hệ của bà Cốc với cái chết của Heywood, sau đó lần lượt bị bắt.
Ngày 1/2, Vương Lập Quân khi đó vẫn là phó thị trưởng Trùng Khánh, bị cách chức giám đốc công an thành phố. Vương, "cánh tay phải" của Bạc, biết quá rõ số phận của những người làm Bạc giận dữ. Vương từng đưa rất nhiều người vào tù trong chiến dịch "đả hắc" hoặc đàn áp những người mà họ coi là tội phạm có tổ chức.
Ngày 6/2, Vương lái xe đến Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, cách Trùng Khánh 300 km, để đến lãnh sự quán Mỹ.
Tuy nhiên, Mỹ bác đơn xin tị nạn của Vương, dường như do lo sợ ảnh hưởng đến mối quan hệ với Trung Quốc vào thời điểm trước chuyến thăm của phó chủ tịch nước Tập Cận Bình. Ông Tập được cho là sẽ thay thế chủ tịch Hồ Cẩm Đào, trở thành nhà lãnh đạo cao nhất Trung Quốc từ sau kỳ đại hội đảng diễn ra vào cuối năm.
Sau khi trải qua một đêm trong lãnh sự quán Mỹ, Vương đi cùng thứ trưởng Bộ Công an Khưu Tiến về Bắc Kinh.
Sự việc Vương Lập Quân xin tị nạn ở lãnh sự quán Mỹ khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc choáng váng, họ lo lắng vì những thông tin Vương đã cung cấp cho các nhà ngoại giao Mỹ.
Ngày 16/2, sau chuyến thăm của phó chủ tịch Tập Cận Bình đến Mỹ, chủ tịch Hồ Cẩm Đào triệu tập cuộc họp của ban thường vụ bộ chính trị, cơ quan quyết sách tối cao của đảng.
Vũ Hà (theo Asahi Shimbun)
Đây là bài thứ 18 trong series của Asahi Shimbum, tìm hiểu về con đường tiến thân của chính trị gia mất chức Bạc Hy Lai tại Trung Quốc. Đọc thêm:
'Hồng ca và đả hắc' của Bạc Hy Lai thất sủng
'Chiếc ghế hổ' ở Trùng Khánh
Nạn nhân 'đả hắc' kể tội Bạc Hy Lai
Kẻ yêu người ghét Bạc Hy Lai
Bạc Hy Lai ở Trùng Khánh
Bạc Hy Lai trên ghế bộ trưởng