Trụ sở Bộ Thương mại Trung Quốc tọa lạc ở trung tâm Bắc Kinh. Tòa nhà do Bạc Hy Lai xây, khi ông lên chức Bộ trưởng, chức vụ cấp cao đầu tiên của ông ở trung ương. Ông được dự đoán còn tiến xa trong sự nghiệp chính trị của mình sau chức Bộ trưởng Thương mại.
Tuy nhiên, vào tháng 5 năm nay, một quan chức cấp cao của Bộ Kinh tế Thương mại Công nghiệp Nhật Bản (METI) phát hiện ra rằng bức chân dung của Bạc Hy Lai đã không còn được treo ở tầng 4 của tòa nhà.
Cho đến đầu năm, chân dung của mọi cựu bộ trưởng vẫn được treo ở đây. Bạc Hy Lai là người tiền nhiệm của đương kim Bộ trưởng Trần Đức Minh. Không lâu trước chuyến thăm của METI, Bạc mất ghế bí thư thành ủy Trùng Khánh và ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc.
Trụ sở bộ Thương mại Trung Quốc tại trung tâm Bắc Kinh. Ảnh: Asahi Shimbun |
Năm 2006, trụ sở Bộ Thương mại Trung Quốc được xây dựng. Thời điểm đó những dự án xây dựng lại văn phòng làm việc và trụ sở bị hạn chế trên toàn Trung Quốc vì có những lời phàn nàn rằng quá nhiều trụ sở công xa hoa, lãng phí.
Nhiều quan chức Bộ Thương mại thời điểm đó thì thầm với nhau rằng tòa nhà được xây dựng là nhờ ông Bạc lo được nguồn ngân sách dồi dào. Họ hài lòng và vui mừng vì có một người lãnh đạo tài giỏi. Về phía Bạc, ông cũng muốn khẳng định mình ở tầm quốc gia.
Sau khi trở thành Bộ trưởng, Bạc không vội bắt tay vào xốc vác công việc như khi là thị trưởng Đại Liên hoặc chủ tịch tỉnh Liêu Ninh. Ông có cách điều hành công việc riêng khi ở Bộ Thương mại. Ví dụ như ông ra một văn bản gồm 15 quy định, trong đó một quy định yêu cầu việc chuẩn bị và đệ trình hồ sơ của các cuộc họp phải hoàn thành trong hai giờ đồng hồ.
Theo các quan chức METI tham gia những cuộc đàm phán với Bộ Thương mại Trung Quốc, Bạc trực tiếp gọi những cán bộ, thậm chí cả cấp Vụ trưởng lên để hướng dẫn. Các cán bộ trong Bộ Thương mại cho biết phải luôn luôn sẵn sàng vì không rõ bao giờ sẽ được Bạc Hy Lai gọi lên.
Bạc Hy Lai khi còn ở đỉnh cao của sự nghiệp. Ảnh: Onlinejournal |
Ông Bạc cũng để lại ấn tượng mạnh mẽ với những quan chức nước ngoài vì phong cách ăn nói, hành xử cũng như việc nói tiếng Anh lưu loát.
Khả năng giao tiếp của Bạc Hy Lai được thể hiện rõ khi tháp tùng Thủ tướng Ôn Gia Bảo trong chuyến thăm châu Âu tháng 5/2004. Bạc phát biểu trước những quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu trong buổi lễ và nhiều người tỏ ra khâm phục ông.
Ông Bạc nói mỗi ngày Trung Quốc có 44.000 trẻ em ra đời và 1,6 triệu con lợn bị làm thịt để phục vụ cho cuộc sống của người dân. Ông giải thích cho mọi người hiểu rõ về sự khó khăn của Thủ tướng Ôn khi phải chăm lo cho nền giáo dục và tạo công ăn việc làm cho lớp trẻ cùng lúc với việc chăm sóc cho người già. Không sử dụng ngôn ngữ của những quan chức, Bạc ca ngợi những nỗ lực của Thủ tướng Ôn và nhận được tràng pháo tay lớn.
Các phương tiện truyền thông bên trong và bên ngoài Trung Quốc đều không ngớt lời ca ngợi Bạc, gọi ông là "ngôi sao mới lên của Trung Quốc". Có tin đồn cho rằng Bạc Hy Lai sẽ trở thành phó thủ tướng phụ trách mảng ngoại thương, kế nhiệm bà Ngô Nghi, người được mệnh danh là "người đàn bà thép" trong thương lượng, đàm phán thương mại.
Tuy nhiên, nấc thang danh vọng của Bạc Hy Lai không được suôn sẻ như mong muốn.
Vũ Hà (theo Asahi Shimbun)
Đây là bài thứ mười trong series của Asahi Shimbum, tìm hiểu về con đường tiến thân của chính trị gia mất chức Bạc Hy Lai tại Trung Quốc. Đọc thêm:
Bạc Hy Lai cất cánh, nhà báo ở tù
Một mình khiêu chiến với Bạc Hy Lai
Bạc Hy Lai ôm mộng quyền lực
Bạc Hy Lai - kiến trúc sư của 'Đại Liên xinh đẹp'
Bạc Hy Lai và nhạc đỏ
Cha Bạc Hy Lai trải đường cho con trai