Thuở nhỏ, Ruth Hebert thường chạy nhảy trên một bờ biển nằm bên rìa Thái Bình Dương và nhìn về phía chân trời, nơi cô bé được bảo rằng cha mình đang ở đấy.
Lớn lên, Hebert biết đến từ "Triều Tiên" trước cả khi hiểu nó có ý nghĩa gì. "Tôi nghe từ đó từ lúc tôi biết nói", bà chia sẻ với CNN. "Nó là một phần trong cuộc sống của chúng tôi".
Cha bà, ông Karle Seydel, 24 tuổi lúc chia tay vợ, con gái và cậu con trai mới sinh ở Seattle, Washington, để gia nhập cùng hàng trăm nghìn lính Mỹ khác tới tham chiến trong cuộc chiến tranh Triều Tiên mà tới nay, sau gần 70 năm, về mặt kỹ thuật vẫn chưa chấm dứt.
Cuộc chiến nổ ra vào ngày 25/6/1950, khi các xe tăng và binh sĩ Triều Tiên vượt vĩ tuyến 38, thực hiện chiến dịch "tấn công tổng lực" nhằm vào Hàn Quốc. Mỹ sau đó tham chiến để hỗ trợ đồng minh và dẫn tới hiệp định đình chiến năm 1953.
Trước khi lệnh ngừng bắn được ký kết ngày 27/7/1953, hơn 1,2 triệu binh sĩ từ cả hai bên đã thiệt mạng, cùng 1,6 triệu dân thường. Thỏa thuận đình chiến đã thiết lập nên Khu Phi quân sự (DMZ) ở biên giới liên Triều.
Trong khi hai miền Triều Tiên bị chia cắt với những gia đình ly tán luôn mong ngóng ngày gặp lại, hài cốt của hàng nghìn lính Mỹ vẫn lưu lạc ở Triều Tiên, bất chấp những nỗ lực tìm kiếm không mệt mỏi từ cả gia đình lẫn quân đội Mỹ suốt hàng thập kỷ.
Sau cuộc gặp lịch sử với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 12/6 ở Singapore, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo một số hài cốt binh sĩ Mỹ sẽ được hồi hương trong tương lai gần.
Thông tin trên mang đến niềm vui cho những gia đình đã phải mong mỏi, đợi chờ trong vô định suốt hơn 60 năm qua. Nhưng vẫn còn đó hàng nghìn binh sĩ Mỹ chưa được tìm thấy và với những người con đều đã ngoài 60 của họ, thời gian đang cạn dần.
Hy vọng chưa nguôi
Theo Lầu Năm Góc, còn 7.697 binh sĩ chưa được tìm thấy sau cuộc chiến và 5.300 người trong số này có thể vẫn nằm lại ở Triều Tiên. Từ năm 1990 đến nay, Triều Tiên mới chỉ trao trả 340 hài cốt binh sĩ qua DMZ. Khoảng 200 bộ hài cốt nữa, nhiều khả năng là các binh sĩ Mỹ, theo kế hoạch sẽ hồi hương trong những ngày sắp tới.
Một phát ngôn viên của các lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc cho hay những hài cốt có thể được trao trả thông qua đại diện Liên Hợp Quốc ở DMZ.
Sau lễ hồi hương, nhà chức trách sẽ chuyển các hài cốt tới một phòng thí nghiệm ở Hawaii, nơi đặt cơ sở giám định xương lớn nhất thế giới, để tiến hành phân tích.
Đầu tiên, hài cốt sẽ được kiểm tra để xác định "hồ sơ sinh học", bao gồm giới tính, chủng tộc, tầm vóc, tuổi qua đời cùng những thông tin khác, ví dụ như nguyên nhân tử vong hay tình trạng y tế. Thông tin quan trọng nhất là ADN và dấu hiệu nha khoa lấy từ các hài cốt. Chúng sẽ giúp xác định chính xác danh tính binh sĩ mất tích.
Những năm qua, quân đội Mỹ đã khuyến khích gia đình các binh sĩ tham chiến ở Triều Tiên cung cấp ADN nhằm phục vụ công tác xác định danh tính thân nhân của họ.
Một trong những người đã tình nguyện cung cấp ADN là Hebert. Sau 68 năm, bà vẫn ấp ủ hy vọng ngày nào đó, hài cốt cha bà, ông Karle Seydel, sẽ trở về.
Dữ liệu của quân đội Mỹ cho thấy trung úy Karle Seydel hy sinh ngày 7/12/1950 trong trận Chosin. Thời điểm hay tin chồng chết, bà Rosanne Seydel đang sống cùng cha mẹ tại Seattle và một mình nuôi hai con. Nhà chức trách gửi điện tín cho họ nhưng cả nhà chỉ biết tin khi tới thị trấn lân cận để nhận điện. "Họ phải tự đi nhận điện báo tử", Hebert nói. "Nó không giống như phim".
Trong một bức điện khác gửi tới Rosanne tháng 2/1951, thiếu tướng A. R. Carson của thủy quân lục chiến Mỹ cho biết Karle "đã thiệt mạng vì một vết thương trong lúc tham chiến".
"Tôi thành thực xin lỗi phải nói với gia đình rằng thi thể anh ấy chưa được tìm thấy", Carson viết, đồng thời đảm bảo rằng quân đội Mỹ sẽ nỗ lực hết sức để tìm kiếm thi thể những người lính tử trận.
5 năm sau, năm 1956, hồ sơ của Karle Seydel được cập nhật với thông tin: "Hài cốt không thể tìm thấy".
Nhiều thập kỷ đã trôi qua, bà Rosanne, giờ đã 92 tuổi, vẫn hy vọng người ta tìm ra hài cốt chồng mình. Trong một chương trình do Bộ Cựu chiến binh và Người có công Hàn Quốc tổ chức hồi đầu năm, Rosanne và Herbert tới đất nước nơi chồng, cha mình từng chiến đấu.
Họ đến trong thời gian Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và ký thỏa thuận cam kết hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
"Cuối cùng, tới được đây vào giữa thời khắc lịch sử này thực sự tuyệt vời, thỏa mãn ước mơ và đáng giá", Hebert chia sẻ.
Trong chuyến đi, một người đàn ông nhận được tin rằng nhà chức trách đã tìm thấy hài cốt anh trai ông và đưa về Hàn Quốc. "Ông ấy vui mừng cả tuần đó", Hebert kể. "Ông ấy cảm thấy phấn chấn bởi cuộc tìm kiếm đã kéo dài gần như cả cuộc đời ông".
Khi theo dõi cuộc gặp Trump - Kim ở Singapore, Hebert chợt nhớ tới lời ca khúc được hát lại rất nhiều vào năm 1950 của ca sĩ Ed McCurdy: "Đêm qua, tôi có một giấc mơ kỳ lạ nhất tôi chưa bao giờ mơ trước đây. Tôi mơ thế giới cùng đồng lòng, kết thúc chiến tranh".
Hebert vẫn nhớ trong chuyến đi tới Hàn Quốc, "có rất nhiều người lớn tuổi, mái tóc đã ngả màu muối tiêu hoặc bạc trắng". Giống như bà và mẹ, dù gần 7 thập kỷ đã trôi qua, họ chưa bao giờ hết nuôi hy vọng. Hebert khẳng định "nếu còn có thể làm bất cứ điều gì, chúng tôi sẽ làm hết trước khi từ giã cõi đời".