Quan chức Mỹ giấu tên hôm 19/6 cho biết Triều Tiên có thể trao trả số lượng lớn hài cốt lính Mỹ tử trận cho Bộ Chỉ huy Liên Hợp Quốc ở Hàn Quốc "trong những ngày tới". Tuy nhiên, Lầu Năm Góc sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách sau khi nhận hài cốt, bao gồm việc nhận dạng những hài cốt này và thông báo cho người thân của họ, theo Reuters.
Theo kế hoạch, các quan tài chứa hài cốt lính Mỹ thiệt mạng trong chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 sẽ được đưa tới căn cứ Bộ chỉ huy Liên Hợp Quốc tại sân bay quân sự Osan gần thủ đô Seoul của Hàn Quốc, sau đó vận chuyển về căn cứ không quân Hickam trên đảo Hawaii.
Tại đây, các chuyên gia pháp y sẽ bắt đầu quá trình nhận dạng hài cốt. Họ có thể áp dụng nhiều kỹ thuật như kiểm tra các bức ảnh từ thời chiến tranh, so sánh ADN của hài cốt với người thân binh sĩ mất tích, cũng như xác định danh tính bằng dữ liệu nha khoa.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết các hài cốt lính Mỹ có thể bị trộn lẫn trong quá trình quy tập, đồng nghĩa với việc xương của nhiều người, kể cả người không phải binh sĩ Mỹ tử trận, có thể nằm trong cùng một bộ hài cốt. Quá trình nhận dạng có thể mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.
"Các trường hợp hài cốt lẫn lộn là khó xử lý nhất, vì chúng đòi hỏi chuyên gia pháp y phải xác định mảnh xương nào thuộc về cùng một người. Mức độ phân hủy xương cũng ảnh hưởng tới khả năng thu thập ADN", Luis Fondebrider, chủ tịch một tổ chức phi chính phủ chuyên về giám định hài cốt, cho biết.
Nghiên cứu năm 1994 của Viện RAND cho biết một số hài cốt được Triều Tiên trao trả trong quá khứ được xác định không phải lính Mỹ, bất chấp việc nước này gửi kèm các thẻ bài chứa danh tính của binh sĩ Mỹ tử trận.
Trong giai đoạn 1990-1992, Bình Nhưỡng đã bàn giao cho Washington 46 bộ hài cốt. "Những bộ hài cốt này thực chất được tổng hợp từ xương của 70 cá nhân khác nhau, nhưng không ai trong số đó là người Mỹ", báo cáo của RAND tiết lộ.
Richard Downes, con trai một lính Mỹ mất tích tại Triều Tiên, cho rằng thành công của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ giúp đưa thêm nhiều bộ hài cốt lính Mỹ về nước, nhưng vẫn mong chờ các động thái cụ thể. "Chúng ta từng thấy những lời hứa trên giấy trong quá khứ, cần có thêm hành động thực tế từ cả hai phía", Downes khẳng định.
Giải pháp hiệu quả để xác định danh tính lính Mỹ tử trận là tổ chức hoạt động hợp tác quy tập với sự tham gia của các chuyên gia Mỹ và quân đội Triều Tiên.
Washington và Bình Nhưỡng từng tiến hành các chiến dịch chung để tìm kiếm hài cốt binh sĩ Mỹ trong giai đoạn 1996-2005. Phương án này cho phép phía Mỹ bảo quản hài cốt nguyên vẹn hơn, đồng thời thu thập nhiều manh mối ở khu vực xung quanh, giúp đẩy nhanh quá trình nhận dạng.
Hơn 35.000 lính Mỹ chết trên bán đảo Triều Tiên trong cuộc chiến tranh kéo dài ba năm, vốn chưa kết thúc do hai bên chỉ ký hiệp ước đình chiến thay vì hiệp định hòa bình. Theo Lầu Năm Góc, 7.700 lính Mỹ vẫn được cho là mất tích, trong đó riêng trên lãnh thổ Triều Tiên có 5.300 người.
Triều Tiên từng trao trả 229 bộ hài cốt cho Mỹ trong giai đoạn 1990-2005, nhưng hoạt động này bị chấm dứt khi quan hệ hai nước xấu đi.