Báo cáo gần đây của chính phủ Philippines cho thấy chỉ trong nửa cuối năm 2017, máy bay quân sự Philippines đã nhận được 46 thông điệp cảnh báo, xua đuổi qua sóng radio từ Trung Quốc khi tuần tra gần các đảo nhân tạo do Bắc Kinh bồi đắp trái phép tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, AP ngày 30/7 đưa tin.
Báo cáo nêu rõ trường hợp phi hành đoàn một máy bay tuần tra của Philippines hồi cuối tháng 1 đã nhận được hai cảnh báo cho rằng họ đang "đe dọa đến an ninh" của đảo nhân tạo Trung Quốc và yêu cầu rời đi ngay lập tức nếu không muốn phải "gánh chịu hậu quả". Lực lượng Trung Quốc sau đó thậm chí đã bắn pháo sáng để cảnh cáo phi công Philippines.
Theo giới chức Philippines, nội dung các thông điệp cho thấy Trung Quốc đã thay đổi chiến thuật theo hướng cứng rắn hơn với những phi công Manila đang thực hiện nhiệm vụ trinh sát hàng hải tại Biển Đông.
Hai quan chức giấu tên Philippines cho biết nước này từng hai lần đề cập tới mối quan ngại về cảnh báo qua sóng radio tại cuộc gặp với quan chức Trung Quốc ở Manila hồi đầu năm nay, khi hai bên thảo luận các vấn đề liên quan đến Biển Đông.
Trước đây, những cảnh báo này thường được phát đi từ tàu hải cảnh Trung Quốc. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc nghi ngờ các cảnh báo gần đây bắt nguồn từ chính các đảo nhân tạo, nơi Bắc Kinh đã triển khai các thiết bị liên lạc và giám sát mạnh hơn cùng các tổ hợp tên lửa đất đối không.
Trung tá Clay Doss thuộc Hạm đội 7 hải quân Mỹ cho biết các tàu và máy bay của Washington cũng nhận thấy sự gia tăng cảnh báo qua radio được phát đi từ mặt đất trên Biển Đông, nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động của Mỹ.
Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh các cuộc thăm dò dư luận gần đây tại Philippines cho thấy 73% người dân nước này mong muốn chính phủ phải có biện pháp bảo vệ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 về vấn đề Biển Đông.
Không giống người tiền nhiệm Benigno Aquino, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chủ động duy trì quan hệ thân thiện với Bắc Kinh để nhận đầu tư, thường xuyên nói sẽ không bao giờ kích động một cuộc chiến với Trung Quốc do chênh lệch về tiềm lực quân sự.
Tuy nhiên, dưới sức ép của dư luận về việc chính quyền Philippines đang tỏ ra mềm yếu quá mức, ngay cả về mặt ngoại giao, trước những động thái quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông gần đây, giới chức Manila bắt đầu có những tuyên bố cứng rắn hơn.