"Sau khi các đối tác tình báo quan trọng như Mỹ, New Zealand và Australia cấm tập đoàn Huawei của Trung Quốc tham gia xây dựng hạ tầng mạng di động 5G, Anh phải đưa ra quyết định của mình", Giám đốc Cục Tình báo mật (MI6) Alex Younger phát biểu tại Đại học St. Andrews ngày 3/12, FT đưa tin.
"Chúng ta phải quyết định mức độ mang lại sự yên tâm đối với những công nghệ và nền tảng mà Trung Quốc sở hữu trong môi trường mạng 5G. Một số đồng minh của chúng ta đã xác định lập trường của mình về việc này", Younger nói.
Anh đang sử dụng nhiều thiết bị của Huawei cho hạ tầng mạng viễn thông của mình, trong đó có một số nằm ở "khu vực cốt lõi". Các thiết bị này được một phòng thí nghiệm đặc biệt kiểm tra dưới sự giám sát của các giám đốc tình báo từ Trung tâm An ninh mạng Quốc gia thuộc cơ quan tình báo điện tử GCHQ của Anh.
Tuy nhiên, do công nghệ 5G mới được phát triển, việc kiểm tra thiết bị của Huawei sẽ khó hơn trước. Những khác biệt trong khung pháp lý và tiêu chuẩn đạo đức giữa hai nước, sự thay đổi về cán cân quyền lực chính trị và tài chính làm cho quy trình kiểm tra các thiết bị Huawei của các cơ quan an ninh Anh trở nên phức tạp và kém hiệu quả hơn, Younger cho biết.
"Ở Trung Quốc, khung pháp lý và tiêu chuẩn đạo đức khác biệt so với chúng ta. Họ có thể thu thập dữ liệu trên quy mô mà chúng ta chỉ có thể mơ tới", Younger nói.
Chính phủ một số quốc gia đang cân nhắc kỹ lưỡng các hợp đồng với Huawei, tập đoàn do cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc Nhậm Chính Phi thành lập năm 1987 và được cho có mối quan hệ thân thiết với Bắc Kinh. Năm 2012, một báo cáo của quốc hội Mỹ nhận định Huawei là mối đe dọa đối với bảo mật thông tin và cảnh báo các công ty viễn thông không mua hàng của Huawei.
Anh và Đức đang bày tỏ lo ngại trước việc sử dụng thiết bị của Huawei và một tập đoàn khác của Trung Quốc là ZTE. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/8 ký lệnh cấm chính phủ Mỹ sử dụng công nghệ của Huawei và ZTE. Ngày 30/10, giám đốc Cục Tín hiệu Australia Mike Burgess cảnh báo việc các tập đoàn viễn thông Trung Quốc như ZTE hay Huawei tham gia triển khai mạng 5G đe dọa đến an ninh mạng của nước này.
Bộ Tư pháp Canada hôm nay ra thông báo về việc bắt bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou), giám đốc tài chính của Huawei tại thành phố Vancouver vào ngày 1/12 và phía Mỹ đang tìm cách dẫn độ bà này. Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada ra tuyên bố phản đối việc bắt giữ và yêu cầu Canada lập tức trả tự do cho bà Mạnh, khẳng định doanh nhân này không vi phạm luật pháp Canada và Mỹ.
Mạnh Vãn Chu là con gái của Nhậm Chính Phi, được cho sẽ tiếp quản tập đoàn của cha. Bà Mạnh bắt đầu làm việc tại Huawei từ năm 1993, giữ nhiều chức vụ tại bộ phận tài chính trước khi trở thành giám đốc tài chính. Ngoài chức vụ giám đốc tài chính, bà còn là một trong các phó chủ tịch hội đồng quản trị Huawei.
Nguyễn Tiến