Bộ Tư pháp Canada hôm qua cho biết Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou), giám đốc tài chính của tập đoàn viễn thông Huawei, bị bắt hôm 1/12 tại thành phố Vancouver và Mỹ đang tìm cách dẫn độ bà. Dù nhà chức trách Canada không công bố chi tiết, dường như vụ bắt bà Mạnh có liên quan tới nhiều hoạt động trong quá khứ của Huawei, tập đoàn bị coi là mối đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ, theo Verge.
Nghi ngờ do thám cho chính phủ Trung Quốc
Hồi đầu năm, cộng đồng tình báo Mỹ cảnh báo người dân nước này không nên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của những tập đoàn công nghệ Trung Quốc như Huawei và ZTE. Đây là kết luận được đưa ra trong cuộc họp Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ với sự tham gia của các lãnh đạo Cục Điều tra Liên bang (FBI), Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) và giám đốc tình báo quốc gia Mỹ.
"Chúng tôi lo ngại sâu sắc trước hiểm họa từ những công ty và tổ chức có liên hệ với chính phủ nước ngoài, khi họ có thể tìm cách kiểm soát mạng viễn thông của Mỹ. Điều này cho phép họ can thiệp hoặc đánh cắp thông tin, cũng như tiến hành do thám mà không bị phát hiện", giám đốc FBI Chris Wray phát biểu.
Cộng đồng tình báo Mỹ từng nhiều lần tỏ ý đề phòng Huawei, do tập đoàn này được sáng lập bởi Nhậm Chính Phi, cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc và cũng là cha của giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu.
"Huawei là cánh tay nối dài của Bắc Kinh", một nghị sĩ Mỹ từng tuyên bố. Báo cáo của quốc hội Mỹ năm 2012 nhận định tập đoàn này là mối đe dọa đối với bảo mật thông tin, cảnh báo các công ty viễn thông không mua sản phẩm của Huawei.
Huawei bị cấm tham gia đấu thầu mạng băng thông rộng của Australia từ năm 2011, trong khi chính phủ một số quốc gia cũng cân nhắc kỹ lưỡng các hợp đồng với công ty này.
Mỹ cấm Huawei tham gia đấu thầu trong các dự án của nước này vào năm 2014, cũng như ngăn cản tập đoàn Trung Quốc xâm nhập thị trường thiết bị điện tử tiêu dùng tại Mỹ. Tuy vậy, đại diện Huawei nhiều lần khẳng định họ không bao giờ cung cấp dữ liệu khách hàng nước ngoài cho tình báo Trung Quốc.
Vi phạm lệnh trừng phạt Iran
Wall Street Journal hồi tháng 4 đưa tin Bộ Tư pháp Mỹ đã mở cuộc điều tra hình sự nhằm vào Huawei. Bà Mạnh từng nằm trong ban lãnh đạo Skycom Tech, công ty do Huawei nắm cổ phần và bị nghi ngờ bán nhiều thiết bị máy tính của Mỹ cho Iran, bất chấp lệnh cấm xuất khẩu sản phẩm công nghệ của Washington cho Tehran.
Nhà chức trách Mỹ nghi ngờ Huawei từ năm 2016, thời điểm Washington điều tra tập đoàn công nghệ ZTE vì vi phạm lệnh trừng phạt Triều Tiên. Bộ Thương mại Mỹ sau đó công bố tài liệu nội bộ của ZTE, cho thấy tập đoàn Trung Quốc nghiên cứu phương thức kinh doanh bất chấp cấm vận của đối thủ mang định danh là "F7", được cho là Huawei.
Sau khi ZTE thừa nhận hành động vi phạm lệnh cấm vận, Trump ký quyết định cấm các doanh nghiệp Mỹ bán linh kiện cho ZTE trong vòng 7 năm. Lệnh cấm chỉ được dỡ bỏ hồi tháng 7 sau khi tập đoàn Trung Quốc nộp khoản tiền phạt gần 1,4 tỷ USD.
Trong khi đó, Huawei vẫn bác bỏ mọi cáo buộc, khẳng định tuân thủ các lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu. Tập đoàn phản đối việc Canada bắt bà Mạnh Vãn Chu, cho rằng họ không nhận thấy bất cứ vi phạm nào của bà, đồng thời khẳng định tập đoàn tuân thủ tất cả luật hiện hành.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada cũng ra tuyên bố phản đối việc bắt bà Mạnh, kêu gọi trả tự do cho bà ngay lập tức, đồng thời khẳng định sẽ "áp dụng mọi biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Trung Quốc".
Bà Mạnh, 46 tuổi, gia nhập tập đoàn Huawei vào năm 1993 và đã giữ nhiều vị trí tại các bộ phận trước khi trở thành giám đốc tài chính kiêm phó chủ tịch hội đồng quản trị. Bà được một số hãng truyền thông Trung Quốc đánh giá là ứng cử viên hàng đầu để tiếp quản tập đoàn của cha.