Đại diện tập đoàn máy bay Tupolev cho biết Nga dự kiến hiện đại hóa toàn diện phi đội oanh tạc cơ chiến lược Tu-22M3, trong đó loạt đầu tiên gồm 30 chiếc dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2018. Tuy nhiên, giới chuyên gia đang tỏ ra hoài nghi với tuyên bố này, theo National Interest.
Biến thể Tu-22M3 đi vào hoạt động vào năm 1983, với chức năng chủ yếu là tiêu diệt các biên đội tàu sân bay Mỹ. Sự xuất hiện của Tu-22M3 khiến hải quân Mỹ cảm thấy bất an, do chúng được thiết kế để mang theo những tên lửa diệt hạm tầm xa với kích thước lớn, trong khi Washington không sở hữu loại vũ khí nào có tính năng kỹ chiến thuật tương đương. Điều này khiến Tu-22M3 được gọi là "sát thủ tàu sân bay".
Dòng Tu-22M3 từng trải qua nhiều lần nâng cấp, nhưng gói hiện đại hóa mang tên "Tu-22M3M" sẽ là đợt đại tu toàn diện nhất kể từ khi nó được biên chế.
Ngoài gia cố khung thân để tăng tuổi thọ hoạt động, Tu-22M3M sẽ được trang bị tổ hợp ngắm bắn tự động SVP-24-22. Hệ thống này có thể tự tính toán vị trí và thời điểm thả bom để đánh trúng mục tiêu, giúp phi công tập trung đối phó với các mối đe dọa khác. Phiên bản SVP-24 đã được kiểm chứng trên chiến trường Syria, khi các đòn không kích của Nga tỏ ra chính xác và đạt hiệu quả cao, dù được thực hiện bởi các máy bay đời cũ như Su-24M2 hay Su-25.
Ngoài ra, Tu-22M3M cũng được tích hợp thêm radar NV-45 và buồng lái cải tiến. Tập đoàn Tupolev dự kiến thay thế động cơ Kuznetsov NK-25 cũ bằng mẫu NK-32-02 có lực đẩy và hiệu suất cao hơn. Đây cũng là động cơ được thiết kế cho oanh tạc cơ chiến lược Tu-160M2 hiện đại nhất của Nga.
Tuy nhiên, học giả Michael Kofman thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ (CNA) tỏ ra hoài nghi về chương trình Tu-22M3M của Nga. Ông khẳng định việc tích hợp động cơ mới vào khung thân hiện có gây ra nhiều khó khăn về mặt kỹ thuật, có nguy cơ làm tăng chi phí và thời gian tiến hành nâng cấp. Điều này sẽ ảnh hưởng tới tiến độ hiện đại hóa, cũng như hạn chế số lượng máy bay được nâng lên chuẩn Tu-22M3M.
Truyền thông Nga khẳng định biến thể Tu-22M3M sẽ được trang bị tên lửa diệt hạm siêu vượt âm Kh-32, phiên bản nâng cấp sâu của mẫu Raduga Kh-22, được biên chế cho không quân Nga từ năm 2016. Kh-32 có tầm bắn 1.000 km và tốc độ tối đa 5.500 km/h, cho phép Tu-22M3M phóng tên lửa từ ngoài tầm đánh trả của các hệ thống phòng không hiện đại.
Theo giới quan sát, việc bổ sung tên lửa Kh-32 sẽ tăng đáng kể uy lực cho oanh tạc cơ Tu-22M3M, nhưng hệ thống này vẫn có điểm yếu ở hệ thống dẫn bắn.
Phiên bản Kh-32 kết hợp thiết bị dẫn đường quán tính, hệ thống định vị toàn cầu GLONASS và radar chủ động khi tấn công mục tiêu tầm xa. Tuy nhiên, tầm bắn 1.000 km nằm ngoài tầm hoạt động của các hệ thống cảm biến trên Tu-22M3M. Dưới thời Liên Xô, tham số mục tiêu thường được cung cấp bởi mạng lưới cảm biến không gian EORSAT, nhưng hệ thống này đã bị loại biên từ lâu.
Hiện chưa rõ Nga sẽ khắc phục vấn đề dẫn bắn mục tiêu tầm xa như thế nào. Đây là vấn đề mà hải quân Mỹ cũng chưa thể giải quyết, dù lực lượng này đang sở hữu Hệ thống Kiểm soát Hỏa lực - Phòng không Tích hợp (NIFC-CA) cho hải quân. Những trở ngại này có thể ngăn cản sự lột xác toàn diện của phiên bản Tu-22M3M cho không quân Nga, chuyên gia quân sự Dave Majumdar nhận định.
Duy Sơn