"Toàn bộ lực lượng oanh tạc cơ chiến lược Tu-22M3 dự kiến được hiện đại hóa trong năm 2018, quá trình này đang diễn ra rất khẩn trương. Toàn bộ hệ thống vô tuyến điện tử đang được nâng cấp. Yếu tố quan trọng nhất là những chiếc Tu-22M3 có thể trang bị tên lửa siêu vượt âm hạng nặng Kh-32", Sputnik dẫn lời ông Viktor Bondarev, chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh Liên bang Nga, phát biểu hôm 17/11.
Ông Bondarev khẳng định Tu-22M3 vẫn còn nhiều tiềm năng để nâng cấp trong tương lai, bảo đảm khả năng chiến đấu trên chiến trường thế kỷ 21. Đây là một trong ba loại oanh tạc cơ chiến lược của không quân Nga, bên cạnh những chiếc Tu-95MS và Tu-160.
Tên lửa hành trình Kh-32 là phiên bản nâng cấp sâu của mẫu Raduga Kh-22, được biên chế cho không quân Nga từ năm 2016. Kh-32 có tầm bắn 1.000 km và tốc độ tối đa 5.000 km/h, cho phép chiếc Tu-22M3 phóng tên lửa từ ngoài tầm đánh trả của các hệ thống phòng không hiện đại.
Tên lửa Kh-32 được thiết kế để tiêu diệt tàu chiến, các tổ hợp radar và mục tiêu có độ phản xạ radar lớn như cầu cống, căn cứ quân sự và cơ sở hạ tầng. Mỗi quả đạn được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính và đầu dò radar chủ động, không phụ thuộc vào hệ thống định vị vệ tinh như GPS và GLONASS.
Bên cạnh Kh-32, Nga cũng đang phát triển một loại siêu tên lửa hành trình cho Tu-22M3 với tầm bắn tới hàng nghìn km. Loại vũ khí này mang tên mã "Izdeliye 715", được trang bị động cơ phản lực hoàn toàn mới, có tính năng tương đồng với tên lửa hành trình Kalibr và Kh-101.
Oanh tạc cơ chiến lược Tu-22M3 bắt đầu được sản xuất từ năm 1978, khiến hải quân Mỹ rất bất an do chúng được thiết kế để mang theo một lượng lớn tên lửa hành trình diệt hạm tầm xa, có khả năng tiêu diệt tàu sân bay Mỹ từ khoảng cách 600 km. Tu-22M3 đã tham gia chiến dịch không kích phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria, tiêu diệt nhiều mục tiêu có giá trị của lực lượng khủng bố.
Tử Quỳnh