Đại úy Steve "Tater" Tate là một trong những phi công Mỹ đầu tiên bắn rơi máy bay Iraq trong chiến dịch Bão táp sa mạc, khi hạ một chiếc Mirage F.1 vào rạng sáng 17/1/1991. Đối thủ của ông trong trận đánh này là một trung tá phi công Iraq, người đã một mình xuất kích để đánh chặn các phi đội máy bay hiện đại của Mỹ, theo War is Boring.
Phi đội 4 chiếc F-15C do Tate dẫn đầu cất cánh lúc 1h30 sáng từ căn cứ không quân King Abdul Aziz ở Arab Saudi. Sau khi tiếp dầu trên không, phi đội F-15C bay theo hướng bắc để hộ tống lực lượng tấn công gồm máy bay chế áp phòng không F-4G, tiêm kích đa năng F-15E, cường kích F-111 và oanh tạc cơ B-52.
Khi tới khu vực phía đông nam thủ đô Baghdad của Iraq, 4 chiếc F-15C tách thành hai biên đội, bay theo quỹ đạo cố định để yểm trợ lẫn nhau. Tới 3h20, máy bay cảnh báo sớm E-3 thông báo có một phi cơ không xác định đang hướng tới biên đội F-15C thứ hai.
Đây là máy bay Mirage F.1 của Phi đội tiêm kích số 79 không quân Iraq đóng tại căn cứ không quân Abu Ubaida, phía đông nam Baghdad. Vào đêm 16/1, nhiệm vụ trực chiến được giao cho trung tá Sabbah Mutlag và đại úy Dulaimi.
Lúc 2h30 sáng, các phi công nhận lệnh lên máy bay, vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Mutlag và Dulaimi kiểm tra kỹ càng hai tiêm kích Mirage F.1, đặc biệt là các quả tên lửa tầm trung Matra Super 530D và tầm ngắn R.550 Magic. Sau đó, họ lên máy bay, thắt dây an toàn và bắt đầu chờ lệnh.
Khoảng 45 phút sau, lệnh xuất kích được phát ra, Mutlag và Dulaimi bắt đầu quy trình khởi động máy bay. Tuy nhiên, bất chấp nhiều nỗ lực, cả hai chiếc Mirage đều không thể khởi động được động cơ. Dulaimi nhảy khỏi buồng lái và hỏi kỹ thuật viên mặt đất về nguyên nhân sự cố cũng như khả năng sửa chữa hai tiêm kích.
Khi kết luận cả hai chiếc Mirage đều không thể hoạt động, Dulaimi với tư cách là biên đội trưởng, ra lệnh cho trung tá Mutlag xuất kích trên một chiếc Mirage dự phòng. Trung tá Mutlag chạy tới khu nhà chứa và tìm thấy một tiêm kích huấn luyện chiến đấu Mirage F.1BQ được trang bị cặp tên lửa tầm ngắn R.550 Magic. Không suy nghĩ nhiều, phi công này nhanh chóng trèo lên máy bay và khởi động thành công.
Sau khi cất cánh, Mutlag kích hoạt hệ thống vũ khí, yêu cầu dẫn đường mặt đất cung cấp đường bay tới mục tiêu. Chỉ huy ra lệnh cho chiếc Mirage đổi sang hướng 285 độ, đồng thời cảnh báo nguy cơ đối đầu với nhiều máy bay Mỹ cùng lúc.
Đúng thời điểm đó, hệ thống cảnh báo chiếu xạ radar (RWR) trên tiêm kích Mirage thông báo nó đang bị đối phương khóa mục tiêu từ phía trái. Ngay khi quay sang hướng cảnh báo, phi công Iraq thấy một đám khói nhỏ màu đỏ trắng trên bầu trời. Đây không phải lần đầu Mutlag đối mặt với tên lửa Mỹ, ông nhận ra mối đe dọa và cơ động gấp về phía trái. Chỉ vài giây sau, hai vệt khói mờ lao qua buồng lái chiếc Mirage F.1BQ, cho thấy nó vừa thoát khỏi đòn mở đầu của phi đội F-15C.
Mutlag tìm cách khóa mục tiêu bằng radar nhưng không thành công. Ông yêu cầu dẫn đường mặt đất chỉ hướng tới mục tiêu mới. Cuối cùng, radar trên chiếc Mirage bắt được nhiều tốp máy bay đối phương ở khoảng cách 40 km, ngoài tầm giao chiến của tên lửa R.550 Magic nhưng Mutlag vẫn quyết định tấn công.
Đó chính là biên đội thứ nhất do Steve Tate bay dẫn đầu. Sau khi nhận cảnh báo, Tate lập tức đổi hướng và khóa mục tiêu vào chiếc Mirage F.1 đang tiếp cận ở độ cao 2.440 m. Xác định đây chính là tiêm kích của Iraq, Tate phóng một quả tên lửa đối không AIM-7 Sparrow ở khoảng cách 19 km.
Gần như ngay lập tức, hệ thống RWR trên tiêm kích Mirage của trung tá Mutlag cảnh báo máy bay đang bị khóa mục tiêu từ phía sau đuôi. Mutlag quay lại để tìm kiếm vệt khói tên lửa nhưng đã quá muộn. Quả đạn đánh trúng chiếc Mirage F.1 khi nó còn cách biên đội của Tate khoảng 6,5 km, tạo ra một quả cầu lửa khổng lồ.
Một vụ nổ lớn xảy ra ngay trên cánh đuôi đứng, khiến thân tiêm kích Mirage F.1BQ bắt đầu vỡ thành từng mảnh. Vụ nổ sáng tới mức các phi công Mỹ có thể thấy xác máy bay Iraq vỡ thành nhiều mảnh, bốc cháy và đâm xuống mặt đất.
Mutlag phải phóng ghế thoát hiểm và đáp an toàn xuống một ngôi làng chỉ cách căn cứ Abu Ubaida vài km. Ông ở lại đó cho tới sáng và trở lại đơn vị.
Tử Quỳnh