Mỹ đang cân nhắc trang bị Hệ thống vi sóng công suất cao chống điện tử (CHAMP) cho tên lửa hành trình cận âm AGM-86C phóng từ oanh tạc cơ B-52, nhằm đối phó với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Triều Tiên. Tuy nhiên, giới phân tích hoài nghi về khả năng sử dụng vũ khí này trong thực tế, nhất là khi nó có thể khiến Mỹ gặp thảm họa từ đòn trả đũa của Triều Tiên, theo National Interest.
Với tầm bắn 1.125 km, CHAMP có thể bay vào không phận đối phương ở tầm thấp, phát ra vi sóng công suất cao để vô hiệu hóa hệ thống điện tử trên ICBM mà không gây nguy hiểm cho con người. Dù có nhiều đề xuất sử dụng vũ khí như tên lửa CHAMP để tấn công tên lửa Triều Tiên, Mỹ vẫn phải cân nhắc kỹ những hậu quả có thể xảy ra.
"Bình Nhưỡng sẽ không biết Washington sử dụng tên lửa vi sóng công suất cao. Thay vào đó, họ sẽ thấy các tên lửa hành trình bay vào không phận, trước khi nghe thấy hàng loạt tiếng nổ và tiến hành tấn công đáp trả mà không biết chúng chỉ là các đầu đạn không nguy hiểm cho con người", chuyên gia Jeffrey Lewis tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, Mỹ nhận định.
Các khí tài như CHAMP không phát ra tiếng nổ lớn như vũ khí thông thường, khiến một số người tin rằng nó sẽ không khơi mào vụ tấn công trả đũa từ Triều Tiên. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã bác bỏ nhận định này.
"Nếu Triều Tiên phát hiện tên lửa AGM-86C, nhiều khả năng họ sẽ bắn hạ chúng hoặc tấn công trả đũa, bởi Bình Nhưỡng không thể phân biệt tên lửa đó mang CHAMP hay đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân", chuyên gia Kingston Reif nêu quan điểm. Điều này sẽ dẫn tới một đòn đáp trả hạt nhân nhằm vào lãnh thổ Mỹ, đủ sức làm hàng chục nghìn người thiệt mạng.
Hậu quả của một đòn đánh hạt nhân nhằm vào thành phố của Mỹ
Trong trường hợp chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên, Mỹ cần đạt mục tiêu loại bỏ mọi khả năng đáp trả hạt nhân của đối phương trong một đòn phủ đầu. Tuy nhiên, vũ khí phi sát thương như CHAMP không phải là công cụ lý tưởng để thực hiện điều này.
"Bình Nhưỡng sẽ không quan tâm đó là CHAMP hay vũ khí thông thường. Họ sẽ đôi công với Mỹ khi đứng trước lựa chọn đáp trả hoặc mất khả năng sở hữu hạt nhân", chuyên gia tên lửa Vipin Narang tại Viện Công nghệ Massachusetts nhấn mạnh.
Ngoài ra, không quân Mỹ cũng thừa nhận CHAMP phải ở rất gần mục tiêu mới phát huy được hiệu quả. Nhiều khả năng các cơ sở hạt nhân Triều Tiên được gia cố để chống vũ khí xung điện từ (EMP) như Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc từng làm. Đòn tấn công bằng CHAMP không bảo đảm vô hiệu hóa được ICBM Triều Tiên, đồng thời khiến nước Mỹ trở thành mục tiêu của chính những vũ khí họ muốn tiêu diệt.
Trên thực tế, Mỹ sẽ không thực sự cân nhắc sử dụng CHAMP để tấn công tên lửa của Triều Tiên. Toàn bộ câu chuyện có thể chỉ nhằm thu hút thêm ngân sách cho chương trình này, học giả Joshua H.Pollack tại Trung tâm Nghiên cứu phi hạt nhân James Martin nhấn mạnh.
Duy Sơn