Triều Tiên hôm 29/11 phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15 đạt tầm bắn lý thuyết 13.000 km, đủ sức bao trùm toàn bộ lãnh thổ Mỹ. Vụ phóng khiến Mỹ tăng cường các biện pháp đề phòng tên lửa Triều Tiên. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cho rằng Washington đang sở hữu một loại vũ khí có thể vô hiệu hóa tên lửa Bình Nhưỡng ngay trên bệ phóng, theo NBC News.
Theo hai quan chức Nhà Trắng, vũ khí này là dự án Tên lửa mang hệ thống vi sóng công suất cao chống điện tử (CHAMP), có thể phóng từ oanh tạc cơ B-52. Với tầm bắn 1.126 km, chúng có thể bay vào không phận đối phương ở tầm thấp và phát ra nguồn năng lượng vi sóng công suất cao để vô hiệu hóa các hệ thống điện tử trên tên lửa địch.
"Những tín hiệu vi sóng công suất cao rất hiệu quả trong việc làm gián đoạn hoặc vô hiệu hóa hoàn toàn các mạch điện tử", Mary Lou Robinson, giám đốc phát triển vũ khí điện từ ở phòng Nghiên cứu không quân Mỹ, khẳng định.
Phòng nghiên cứu không quân Mỹ bắt đầu nghiên cứu dự án CHAMP từ tháng 4/2009 và từng tích hợp một bộ phát vi sóng công suất cao (HPM) lên một biến thể phi hạt nhân của tên lửa hành trình phóng từ máy bay.
Tháng 10/2012, vũ khí CHAMP bắt đầu được thử nghiệm. Một oanh tạc cơ B-52 đã phóng tên lửa ở thao trường Utah tấn công mục tiêu là những tòa nhà trang bị hệ thống máy tính và liên lạc mô phỏng các cơ sở sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iran và Triều Tiên.
"Cuộc thử nghiệm đã thu được kết quả như mong đợi khi gần như 100% các hệ thống điện tử bị ảnh hưởng và bị hỏng", Robinson cho biết.
Sau vụ thử năm 2012, Lầu Năm Góc đã tiến hành thêm nhiều cuộc thử nghiệm và thực nghiệm để thúc đẩy công nghệ vũ khí vi sóng, trong đó có việc tích hợp thêm một nguồn điện mới để biến nó thành siêu vũ khí CHAMP.
Cơ chế hoạt động
Các chuyên gia cho biết khi đưa vào vận hành, vũ khí này có thể giúp Lầu Năm Góc ngăn Triều Tiên phóng tên lửa bằng cách tấn công các hệ thống điều khiển mặt đất và mạch điện trong tên lửa. Nhờ đó, nó có thể vô hiệu hóa tên lửa đạn đạo Triều Tiên ngay khi Bình Nhưỡng chưa kịp khai hỏa.
"Tương tự như việc chúng ta đặt một vật gì đó có kim loại vào trong lò vi sóng, mọi người đều biết hậu quả sẽ tồi tệ như thế nào. Và giờ chúng ta sẽ hướng những tín hiệu vi sóng này vào hệ thống điện tử của đối phương", thượng nghị sĩ Martin Heinrich, thành viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, tuyên bố.
Cựu trung tướng không quân Mỹ David Deptula cho biết trung tâm chỉ huy và kiểm soát của quân đội bất kỳ nước nào đều được trang bị nhiều hệ thống điện tử và chúng rất dễ bị phá hủy trước sự tấn công của vi sóng công suất cao.
Không quân và các cơ quan chính phủ Mỹ đã nghiên cứu để vũ khí hóa tín hiệu vi sóng trong hai thập kỷ. Nhiều bộ phát vi sóng đã được triển khai trên chiến trường Afghanistan và Iraq nhằm vô hiệu hóa thiết bị nổ tự chế (IED) và máy bay không người lái cỡ nhỏ.
Tuy nhiên, quá trình phát triển loại sóng điện từ có bước sóng siêu ngắn này thành vũ khí chiến lược không hề dễ dàng, bởi công đoạn thu nhỏ kích cỡ và khối lượng bộ phát sóng trước khi trang bị cho chúng một máy phát công suất đủ lớn để tạo ra vi sóng gặp rất nhiều thách thức.
Một trở ngại lớn khác của vũ khí vi sóng là tầm hoạt động của bộ phát CHAMP còn hạn chế. Để vô hiệu hóa tên lửa hoặc hệ thống điện tử của bệ phóng, CHAMP buộc phải áp sát mục tiêu khoảng vài mét đến vài chục mét.
Tướng Herbert "Hawk" Carlisle, tư lệnh Bộ tư lệnh Tác chiến Không quân Mỹ tuyên bố hồi tháng 2/2016 rằng nước này có một loạt vũ khí HMP để sử dụng trong tình huống khẩn cấp. Hiện chưa rõ Mỹ sẽ sử dụng vũ khí vi sóng công suất cao này nhắm vào Triều Tiên trong trường hợp nào.
Duy Sơn