Thử nghiệm phiên bản 127 mm của đạn pháo Vulcano
Dù trang bị nhiều hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại, pháo hải quân trên tàu chiến Mỹ và phương Tây vẫn có nguy cơ bắn trượt mục tiêu do đạn pháo chỉ bay theo quỹ đạo cố định, cho phép đối phương cơ động vòng tránh trong một số trường hợp. Tuy nhiên, tập đoàn Leonardo của Italy đã giới thiệu đạn thông minh Vulcano, được cho là đủ sức giải quyết điểm yếu này, theo WATM.
Vũ khí uy lực nhất của tàu chiến hiện đại là tên lửa diệt hạm (AShM) với tầm bắn xa và độ chính xác cao, sử dụng nhiều cơ cấu dẫn đường hiện đại. Điểm yếu chính của AShM là chi phí cao và kích thước cồng kềnh, khiến mỗi chiến hạm chỉ mang được 8 quả đạn. Bên cạnh đó, AShM có giới hạn tầm bắn tối thiểu, khiến chúng không thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách gần.
Điều này giúp pháo hạm vẫn có chỗ đứng trong chiến tranh hiện đại. Một tàu khu trục lớp Arleigh Burke có thể mang tới 600 quả đạn cỡ nòng 127 mm, đủ sức tạo hỏa lực hủy diệt với tốc độ 20 phát/phút. Sự xuất hiện của đạn Vulcano càng tăng uy lực cho pháo hạm trên tàu chiến Mỹ, khi mỗi quả có thể phát hiện và bám bắt mục tiêu ở khoảng cách tới 80 km.
Nhiệm vụ chính của đạn Vulcano bao gồm yểm trợ hỏa lực, chế áp các mục tiêu gần bờ biển hoặc sâu trong đất liền của đối phương, cũng như tấn công tàu chiến đối phương ngoài tầm chiến đấu của tên lửa diệt hạm. Tầm bắn của Vulcano cao gấp ba lần đạn pháo 127 mm thông thường sơ tốc đầu nòng lớn, trong khi việc không dùng động cơ rocket như đạn tăng tầm thông thường giúp kéo dài tuổi thọ nòng pháo.
Hệ thống cánh lái của đạn Vulcano giúp nó liên tục hiệu chỉnh đường bay, duy trì khả năng bám bắt mục tiêu của đầu dò hồng ngoại. Pháo thủ có thể lựa chọn chế độ kích hoạt của đạn trước khi bắn, bao gồm nổ cách mặt đất (air-burst) khoảng 5-10 m để diệt mục tiêu nấp trong công sự, hoặc phát nổ sau khi xuyên qua lớp thép dày để tăng tối đa sát thương trong thân tàu đối phương.
Tử Quỳnh