Hệ thống HIMARS bắn thử trên tàu USS Anchorage
Thủy quân lục chiến Mỹ (USMC) đang thử nghiệm giải pháp triển khai Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) M142 lên chiến hạm hải quân để phục vụ các chiến dịch đổ bộ đánh chiếm bờ biển. Việc sử dụng hệ thống M142 có tầm bắn lên tới 70 km trên nhiều tàu được cho là giải pháp linh hoạt để Mỹ đối phó lực lượng phòng thủ bờ biển Triều Tiên nếu nổ ra chiến tranh, theo Drive.
Hồi giữa tháng 10, Tiểu đoàn số 5 thuộc Trung đoàn số 11 USMC đã bắn thử tổ hợp pháo M142 HIMARS trên tàu đổ bộ USS Anchorage, tiêu diệt một mục tiêu nổi từ khoảng cách 70 km trong khuôn khổ tập trận Dawn Blitz 2017.
Chuyên gia quân sự Kyle Mizokami cho biết lực lượng pháo binh thủy quân lục chiến Mỹ thường phải chờ bộ binh đánh chiếm bờ biển, sau đó mới đổ bộ, xây dựng trận địa để khai hỏa vào đối phương. Việc đòi hỏi địa hình chắc chắn để triển khai khiến pháo binh USMC không thể phát huy hết khả năng trong giai đoạn quan trọng nhất của chiến dịch đổ bộ, đó là nã pháo phủ đầu đối phương và yểm trợ bộ binh chiếm bờ biển.
Khi nghiên cứu các nhiệm vụ tác chiến đổ bộ, USMC đang cân nhắc giải pháp lắp pháo M142 tại khoang trực thăng của tàu đổ bộ để phóng đạn dẫn đường chính xác vào mục tiêu từ khoảng cách xa.
M142 HIMARS là hệ thống pháo phản lực phóng loạt tự hành đặt trên khung gầm bánh lốp, được phát triển từ nền tảng pháo phản lực M270 MLRS. Mỗi hệ thống HIMARS có thể mang 6 quả đạn M31 GLMRS cỡ nòng 227 mm, trang bị đầu đạn nổ mạnh nặng 91 kg với tầm bắn 70 km hoặc một tên lửa chiến thuật lục quân MGM-140 ATACMS có tầm bắn 305 km. Đây được xem là vũ khí chủ lực trong chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria nhờ khả năng hoạt động tốt trong điều kiện bão cát và thời tiết xấu.
Với việc triển khai HIMARS trên tàu đổ bộ, các đơn vị USMC có thể gọi hỏa lực yểm trợ một cách nhanh chóng và hiệu quả, đồng thời tránh được rắc rối khi phải mạo hiểm đưa pháo đổ bộ trực tiếp. Sau khi chiếm được bờ biển, lính thủy đánh bộ có thể lập trận địa cho HIMARS, cho phép lực lượng này tiếp tục yểm trợ hỏa lực và áp chế trận địa phòng thủ sâu trong lãnh thổ đối phương.
Việc triển khai tổ hợp M142 cũng là giải pháp linh hoạt, giúp tàu đổ bộ đối phó nhiều mối đe dọa khác nhau. Quá trình nạp đạn cho tổ hợp HIMARS nhanh gấp nhiều lần việc nạp đạn cho bệ phóng thẳng đứng trên tàu chiến, đồng thời không đòi hỏi trang thiết bị đặc biệt.
Trong bối cảnh hải quân Mỹ dự tính triển khai Hệ thống Kiểm soát Hỏa lực - Phòng không Tích hợp (NIFC-CA), tổ hợp M142 có thể trực tiếp nhận dữ liệu mục tiêu từ máy bay không người lái để tấn công. Trên lý thuyết, USMC có thể trang bị HIMARS trên bất kỳ chiến hạm mặt nước cỡ lớn nào để bảo đảm hỏa lực trong các chiến dịch đổ bộ.
Khả năng triển khai nhanh chóng trên nhiều tàu khác nhau của HIMARS sẽ là giải pháp linh hoạt cho đòn "phủ đầu chớp nhoáng" đối phó Triều Tiên, thúc đẩy thủy quân lục chiến Mỹ đẩy nhanh quá trình thử nghiệm dự án trang bị loại pháo này cho các tàu đổ bộ hạng nặng, chuyên gia Trevithick nhấn mạnh.
Duy Sơn