Tàu sân bay USS Ronald Reegan của Mỹ vào cảng Hong Kong tháng 8/2011. Ảnh: Xinhua |
"Hòa bình, ổn định và phát triển là nguyện vọng chung của các nước trong khu vực. Việt Nam hoan nghênh các nỗ lực đóng góp vào việc tăng cường hòa bình, ổn định và phát triển tại châu Á - Thái Bình Dương, và sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước để phấn đấu vì các mục tiêu này", ông Nghị nói trong cuộc họp báo thường kỳ hôm qua.
Phát biểu này nhằm trả lời cho câu hỏi của phóng viên nước ngoài về chiến lược quân sự mới của Mỹ, nhấn mạnh vào việc tăng cường sự hiện diện quân sự của nước này tại châu Á- Thái Bình Dương, có góp phần làm tăng cường hòa bình và ổn định tại khu vực hay không.
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 5/11 thông báo chính sách quân sự mới của cường quốc này.
"Chúng ta sẽ tăng cường hiện diện ở châu Á - Thái Bình Dương", ông Obama nói tại Lầu Năm Góc. "Chúng ra sẽ tiếp tục đầu tư cho các đối tác và đồng minh quan trọng, trong đó có NATO, và đặc biệt thận trọng, nhất là ở khu vực Trung Đông".
Trong năm 2011, Mỹ thể hiện sự chuyển hướng rõ rệt trong chính sách quân sự, khi Tổng thống Obama tuyên bố rút 33.000 quân khỏi Afghanistan cho tới hết mùa hè năm nay, đồng thời kết thúc cuộc chiến gần một thập kỷ ở Iraq. Mỹ đang dần chuyển hướng trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong chuyến thăm Australia cuối năm ngoái, ông Obama tuyên bố sẽ điều 2.500 lính thủy đánh bộ tới đồn trú.
Chiến lược quân sự mới của Mỹ đã nhận được nhiều phản ứng trái chiều. Truyền thông Trung Quốc đồng loạt bày tỏ sự quan ngại, trong khi giới chức nước này cho rằng Mỹ nhắm đến sự trỗi dậy của Trung Quốc là không có căn cứ, và khẳng định sự trỗi dậy của nước này là "cơ hội chứ không phải mối đe dọa" đối với Washington.
Trong khi Trung Quốc quan ngại và đưa ra nhiều lời chỉ trích chiến lược quân sự mới của Mỹ thì các quốc gia khác bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Australia... lại lên tiếng hoan nghênh sự hiện diện nhiều hơn của Mỹ trong khu vực. Các nước này cho rằng chiến lược quân sự mới của Mỹ mang lại cho châu Á nhiều sự lựa chọn hơn.
Cựu bộ trưởng quốc phòng kiêm đại sứ Australia tại Mỹ, Kim Christian Beazley nói: "Chúng tôi ủng hộ lập trường của Mỹ, đây không phải là một chiến lược có ý muốn gây sức ép mà là chiến lược phù hợp với thông lệ quốc tế". India Times đưa tin, trong chiến lược của Mỹ có nhắc đến "nỗ lực cùng Ấn Độ xây dựng quan hệ hợp tác chiến lược", vì vậy Ấn Độ rất hoan nghênh.
Phan Lê