Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia cùng một số nước khác đã lên tiếng về chiến lược quân sự mới của Washington, trong đó hoan nghênh việc Mỹ quay trở lại khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Chiến lược quân sự mới của Mỹ chuyển sự chú ý sang châu Á Thái Bình dương. Ảnh: AFP |
Thông tấn xã Nhật dẫn lời Bộ trưởng quốc phòng Ichikawa Yasuo, phát biểu rằng "chiến lược mới của Mỹ không ảnh hưởng nhiều đến Nhật và nước này ủng hộ các chính sách quân sự mới của Mỹ".
Đài truyền hình NHK cũng đưa tin Mỹ sẽ xây dựng mạng lưới đồng minh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trong quá trình đó, Mỹ sẽ yêu cầu Nhật phát huy hơn nữa vai trò của Nhật trong khu vực.
Còn hãng tin Yonhap dẫn lời quan chức bộ Quốc phòng Hàn Quốc phát biểu trong cuộc họp báo ngày 5/1 cho biết, các nội dung trong chiến lược quốc phòng điều chỉnh của Mỹ nằm trong dự liệu của Hàn Quốc và sẽ không ảnh hưởng đến an ninh của Hàn Quốc.
Ngoài ra, Australia, nước đồng minh với Mỹ lên tiếng ủng hộ chiến lược mới của Mỹ. Cựu bộ trưởng quốc phòng, đại sứ Australia tại Mỹ, Kim Christian Beazley nói: "Chúng tôi ủng hộ lập trường của Mỹ, đây không phải là một chiến lược có ý muốn gây sức ép mà là chiến lược phù hợp với thông lệ quốc tế", The Australian đưa tin.
Beazley cũng tin rằng chiến lược này không ảnh hưởng tài nguyên biển của cũng như các yếu tố khác trong khu vực. Ngoài ra, cựu đại sứ của Australia cũng bình luận rằng Trung Quốc không nên lo lắng, bởi chiến lược hướng tới châu Á của Mỹ sẽ không ảnh hưởng tới sự phát triển của Trung Quốc cũng như quan hệ song phương Australia-Trung Quốc.
Một quốc gia khác là Ấn Độ cũng lên tiếng về động thái của Mỹ. India Times đưa tin, trong chiến lược của Mỹ có nhắc đến "nỗ lực cùng Ấn Độ xây dựng quan hệ hợp tác chiến lược", Ấn Độ rất hoan nghênh và cho rằng chiến lược này cho châu Á càng nhiều sự lựa chọn.
Hãng tin CNA của Singapore thì đăng bài viết "Asean hoan nghênh Mỹ quay trở lại châu Á" nhưng chủ yếu phân tích lợi ích về kinh tế đối với châu Á khi Mỹ quay trở lại khu vực. Bài báo dẫn lời Tổng thư ký Asean, Surin Pitsuwan, nói "châu Á là một thị trường lớn, dân số đông, Mỹ muốn tăng cường xuất khẩu tất nhiên phải chú trọng châu Á".
Trong khi đa số các quốc gia tỏ ra hoan nghênh chiến lược mới của Mỹ thì Trung Quốc quan ngại sự có mặt nhiều hơn của Mỹ. Tân Hoa xã bình luận rằng sự hiện diện mạnh mẽ hơn của Mỹ có thể thúc đẩy ổn định, phát triển nhưng cũng có thể "đe dọa nền hòa bình" của khu vực.
Động thái trên của các nước được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố "sẽ tăng cường hiện diện ở châu Á-Thái Bình Dương" hôm 5/1 và khẳng định "việc cắt giảm ngân sách quốc phòng không ảnh hưởng đến chi phí quân sự ở khu vực trọng điểm này".
Trong năm 2011, Mỹ thể hiện sự chuyển hướng rõ rệt trong chính sách quân sự, khi Tổng thống Obama tuyên bố rút 33.000 quân khỏi Afghanistan cho tới hết mùa hè năm nay, đồng thời kết thúc cuộc chiến gần một thập kỷ ở Iraq và một thời kỳ mới, chuyển hướng trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đang bắt đầu từ đây. Mùa thu này, ông Obama đã tuyên bố sẽ triển khai 2.500 thủy quân lục chiến tới căn cứ ở phía bắc Australia.
Vũ Hà