Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: AFP |
Chiến lược quân sự điều chỉnh của Mỹ, sẽ được tổng thống Obama công bố, đề cập khả năng đương đầu với những thách thức có thể tới từ Iran, một quốc gia luôn chống Mỹ, hay Trung Quốc, nước có sự phát triển quân sự vượt bậc trong những năm qua. Mỹ sẽ thay đổi theo hướng dần có ít hơn những chiến dịch đòi hỏi lực lượng binh sĩ lớn trên mặt đất, AFP dẫn lời các quan chức và chuyên gia cho hay.
Bản báo cáo chiến lược quốc phòng mà Tổng thống Obama sắp công bố được cho là sẽ định hướng cho quân sự Mỹ trong một thời kỳ cần phải "thắt lưng buộc bụng", khi chính quyền Obama chuẩn bị cho việc cắt giảm 450 tỷ USD ngân sách quốc phòng trong vòng 10 năm tới.
Bản báo cáo cũng đề cập tới một lực lượng vũ trang nhỏ gọn nhưng linh hoạt hơn trong tương lại, để phục vụ cho việc nâng cao vai trò của quân đội Mỹ tại châu Á, trong khi vẫn duy trì sự hiện diện hải quân mạnh mẽ ở Trung Đông, một quan chức quốc phòng giấu tên cho hay.
Theo kế hoạch này, quân đội Mỹ sẽ chuẩn bị cho việc làm thất bại bất cứ một nỗ lực nào của Iran trong việc đóng eo biển huyết mạch Hormuz, cũng như sẵn sàng đối phó trước tham vọng của Trung Quốc với các vùng nước quốc tế trên Biển Đông.
Chiến lược quân sự mới của Mỹ chuyển sự chú ý sang châu Á Thái Bình dương. Ảnh: AFP |
Những chiến dịch chống phiến loạn, như từng có trước đây tại Iraq và Afghanistan, sẽ nhận được sự ưu tiên thấp hơn trong chiến lược quân sự điều chỉnh của Mỹ. Điều này giúp chính quyền Tổng thống Obama thu hẹp quy mô của quân đội Mỹ nói chung.
"Khi Mỹ thay đổi trọng tâm tới Thái Bình Dương, các lực lượng mặt đất sẽ ít quan trọng hơn, đồng thời sự kết hợp giữa hải quân và các lực lượng không quân lại trở nên có ý nghĩa hơn", nhà phân tích Loren Thompson của viện nghiên cứu Lexington nói. Trước đó các nhà chiến lược quốc phòng Mỹ đã đưa ra thuyết quân sự mới về kết hợp các lực lượng hải-không chiến.
Giới chức quốc phòng Mỹ cho rằng chiến lược quân sự được điều chỉnh của Mỹ sẽ mở đường cho việc giảm số lính nước này hiện đồn trú ở châu Âu. Ít nhất một lữ đoàn sẽ được rút đi, tương đương với khoảng 3.500 quân. Chiến lược sắp được công bố cũng sẽ loại trừ việc Mỹ phải tiến hành hai cuộc chiến cùng một lúc, một vấn đề vốn là chủ đề tranh cãi từ lâu tại Lầu Năm Góc.
Thay vào đó, Mỹ sẽ luôn sẵn sàng cho một cuộc chiến trong khi tiến hành một chiến dịch ở nơi khác để ngăn chặn mối hiểm họa thứ hai. Điều này nhằm tránh kịch bản từng xảy ra năm 2001 khi Lầu Năm Góc phải chuẩn bị cho hai cuộc chiến cùng lúc nhưng các chỉ huy quân đội lại thiếu nhân sự cần thiết tại cả Afghanistan và Iraq.
Bản báo cáo chiến lược quân sự được điều chỉnh xuất hiện ngay trước khi ngân sách quốc phòng đề xuất cho năm 2013 dự kiến được công bố trong vài tuần tới. Bản ngân sách này được cho là sẽ kêu gọi việc trì hoãn một số chương trình vũ khí, trong đó có việc giảm tốc độ sản xuất loại máy bay chiến đấu F-35 gây nhiều tranh cãi.
Trong năm 2011, Mỹ thể hiện sự chuyển hướng rõ rệt trong chính sách quân sự, khi Tổng thống Obama tuyên bố rút 33.000 quân khỏi Afghanistan cho tới hết mùa hè năm nay, đồng thời kết thúc cuộc chiến gần một thập kỷ ở Iraq. Mỹ đang dần chuyển hướng trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Nhật Nam