Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến đến Panama ngày 2-3/12, một ngày sau khi ông Tập gặp ông Trump bên lề Hội nghị G20 ở Buenos Aires. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trong căng thẳng thương mại và có thể dùng cơ hội này để hạ nhiệt.
Panama nằm ở Trung Mỹ, giáp với Costa Rica và Colombia. Nước này có vị trí chiến lược với kênh đào Panama dài 82 km, liên kết Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Trung Quốc là nước sử dụng kênh nhiều thứ hai sau Mỹ, theo SCMP.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết chuyến thăm sẽ tái khẳng định sự quan tâm của Bắc Kinh với các nước Mỹ Latin, thường được ví là "sân sau" của Mỹ vì chịu nhiều ảnh hưởng từ Washington. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nhấn mạnh hợp tác giữa Bắc Kinh và khu vực này sẽ "không thay đổi" mặc dù một số nước Mỹ Latin phải đối mặt với những thách thức đang gia tăng trong một môi trường toàn cầu không ổn định.
Washington đã cảnh giác trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Mỹ Latin. Các quan chức cấp cao trong chính quyền Trump cảnh báo các nước láng giềng của Mỹ thận trọng trước chiến lược đầu tư của Bắc Kinh, từ khai thác nguyên liệu thô cho đến sản xuất ôtô, công nghệ và viễn thông.
Tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Papua New Guinea tuần trước, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nói rằng các quốc gia nhỏ hơn không nên bị quyến rũ bởi sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh vì họ dễ "sập bẫy nợ", phải cho Bắc Kinh những lợi ích chiến lược vì không thể trả được khoản vay từ Trung Quốc.
Cựu đại sứ Mexico tại Trung Quốc Jorge Guajardo cho rằng chuyến thăm của ông Tập, diễn ra ngay sau những lời chỉ trích của ông Pence, cho thấy Bắc Kinh "cũng có thể chơi trò chơi ảnh hưởng với Mỹ".
"Thăm Panama là cách mà ông Tập tuyên bố rằng Trung Quốc cũng có thể tranh giành ảnh hưởng tại một khu vực vốn có truyền thống chịu ảnh hưởng từ Mỹ. Bắc Kinh gửi thông điệp rằng Trung Quốc trân trọng những mối quan hệ này và sẽ không xem nhẹ giá trị của chúng", Guajardo nhận xét.
Dong Jingsheng, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ Latin tại Đại học Bắc Kinh, cho rằng ông Tập sẽ thúc đẩy Vành đai và Con đường trong chương trình nghị sự. Trong chuyến thăm Bắc Kinh tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Panama Juan Carlos Varela nói rằng ông ủng hộ chương trình cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, dù Bắc Kinh đang nỗ lực tăng cường quan hệ với các nước Mỹ Latin, sức ảnh hưởng của họ vẫn khó có thể bắt kịp với Mỹ, đặc biệt là khi đầu tư của Trung Quốc không ổn định và kém đa dạng hơn rất nhiều. "Trung Quốc khó có thể đặt ra mối đe dọa cho Mỹ tại khu vực này và với Trung Quốc thì quan hệ Trung - Mỹ có ý nghĩa hơn nhiều", ông Dong nói.
Francisco Luis Perez, chuyên gia nghiên cứu Mỹ Latin tại Đại học Tamkang ở Đài Loan, đánh giá rằng Bắc Kinh có thể đang tìm cách đối trọng sự hiện diện của Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương bằng cách tăng cường ảnh hưởng ở Mỹ Latin. Tuy nhiên, Panama có thể cho rằng việc xích lại gần Bắc Kinh có nguy cơ làm rạn nứt quan hệ của họ với Washington.
"Tôi không cho rằng Panama sẽ chấp nhận rủi ro này và thiết lập các thỏa thuận chiến lược hay chính trị lớn với Trung Quốc trong chuyến thăm. Thay vào đó, họ tập trung vào các vấn đề kinh tế không có nhiều tác động về quân sự hay chiến lược", Perez đánh giá.