Ông Tập Cận Bình ngày 20/11 đến Philippines, mang đến những khoản đầu tư và thỏa thuận hợp tác cho đồng minh quan trọng của Mỹ, sau khi đối đầu với Washington tại hội nghị APEC tuần trước. Hai bên ký kết 29 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, văn hóa hay phát triển khu công nghiệp.
Họ đã ký bản ghi nhớ về phát triển dầu khí ở Biển Đông. Chi tiết của thỏa thuận chưa được công bố. Ông Tập nói rằng hợp tác "gửi một thông điệp mạnh mẽ đến thế giới rằng hai nước là đối tác tìm kiếm sự phát triển chung".
Sau khi nhậm chức năm 2016, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã gây sốc cho Washington khi công khai thể hiện lập trường nghiêng về hợp tác với Trung Quốc và rời xa đồng minh truyền thống Mỹ. Ông không gây sức ép với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông dù phán quyết của tòa quốc tế không có lợi cho Bắc Kinh. Duterte nói rằng đối đầu với Trung Quốc là vô ích.
Nhưng ông đang đối mặt với sự phản đối ngày càng tăng ở trong nước về tham vọng của Bắc Kinh. Hàng nghìn người Philippines xuống đường biểu tình tại đại sứ quán Trung Quốc khi ông Tập đến Manila. Họ phản đối việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự trong vùng biển quốc tế ở Biển Đông, cũng như các thỏa thuận trong sáng kiến Vành đai và Con đường của ông Tập.
Trung Quốc vẫn chậm chạp trong việc thực hiện cam kết đầu tư ở nhiều quốc gia trong Sáng kiến Vành đai và Con đường. Các nhà phân tích nói rằng chính sách này nhằm mục đích đạt được đòn bẩy ngoại giao thông qua việc khiến các nước khác nợ nần, theo WSJ.
Tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương cuối tuần trước ở Papua New Guinea, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence mô tả các khoản vay từ Trung Quốc được đổ vào các dự án "thường không bền vững và chất lượng kém". Đồng thời, ông nhấn mạnh Washington sẽ giao dịch cởi mở và công bằng.
"Tập Cận Bình đang là tâm điểm chú ý. Ông ấy phải chứng tỏ rằng Trung Quốc có thể giữ đúng lời hứa", Alexander Neill, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Singapore, nói.
Trung Quốc hứa hẹn đầu từ 24 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng Philippines. Họ đã trả tiền cho các hạng mục như hai cây cầu nhỏ và một trung tâm cai nghiện ma tuý. Các dự án lớn như đường sắt tốc độ cao vẫn chưa bắt đầu. Tuy nhiên, thương mại của Trung Quốc với Philippines đã tăng lên 14,08 tỷ USD trong nửa đầu năm 2018, tăng gần 24% so với năm trước. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Philippines, theo sau là Nhật và Mỹ.
Duterte đã thể hiện quan hệ hữu hảo với Bắc Kinh trước công chúng. Trong cuộc chiến năm ngoái để giành lại thành phố Marawi từ các chiến binh Hồi giáo, ông ca ngợi Trung Quốc vì ủng hộ súng trong khi không đề cập đến sự hỗ trợ của máy bay trinh sát không người lái Mỹ.
Các nhà phân tích cho rằng chuyến thăm Philippines của ông Tập cho thấy Đông Nam Á và Thái Bình Dương đã trở thành sàn đấu cạnh tranh ảnh hưởng toàn cầu giữa Bắc Kinh và Washington.
"Philippines có thể là viên ngọc quý của ông Tập trong chính sách đối ngoại". "Không một chủ tịch Trung Quốc nào tiến gần đến việc lôi kéo Philippines ra khỏi tầm ảnh hưởng của Mỹ như vậy", Richard Philippdarian, nhà phân tích an ninh tại Manila đánh giá.
Tuy nhiên, các cấp dưới của Dutere đã lặng lẽ khôi phục quan hệ Mỹ - Philippines. Hồi tháng 10, hai nước đồng ý mở rộng tập trận chung. Mỹ còn trả lại cho Philippines chuông quý từng bị quân đội Mỹ lấy khỏi nhà thờ ở thị trấn Balangiga năm 1901 làm chiến lợi phẩm trong cuộc chiến giữa hai bên.
Một cuộc khảo sát ý kiến được công bố ngày 20/11 của Pollster cho thấy 70% người Philippines đặt niềm tin vào Mỹ trong khi chỉ 27% cảm thấy như vậy về Trung Quốc. Phát ngôn viên của sứ quán Mỹ nhấn mạnh "cam kết của Washington đối với Manila đã được chứng minh là có hiệu quả và không có nguy cơ suy giảm".