14h17 ngày 6/5/1962, một tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân lao khỏi mặt nước trên Thái Bình Dương rồi nhanh chóng biến mất trên bầu trời. Khoảng 12 phút sau, cách đó hơn 1.600 km về phía tây nam, tên lửa nổ tung, phát ra ánh sáng chói mắt. Một đám mây hình nấm lớn xuất hiện, theo NPR.
Cuộc thử nghiệm, với mã tên "Chim cốc biển", do Mỹ tiến hành, sử dụng mẫu tên lửa Polaris A-2 phóng từ tàu ngầm. Đây là lần đầu tiên và cũng là duy nhất Mỹ thử nghiệm tên lửa hạt nhân.
Đến nay, Triều Tiên mới chỉ thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo riêng rẽ. Nhưng với vụ thử bom nhiệt hạch mới nhất hôm 3/9 và những lời đồn đại về một vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) chuẩn bị diễn ra, giới chuyên gia đang lo ngại về kịch bản Bình Nhưỡng sẽ thực hiện một vụ thử nghiệm kiểu "Chim cốc biển".
"Đây rõ ràng là cách tối ưu để Triều Tiên chứng minh năng lực", James Acton, nhà vật lý kiêm đồng chủ nhiệm Chương trình Chính sách Hạt nhân tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nhận định. "Tôi hy vọng chúng ta không phải chứng kiến cảnh đó".
Tên lửa hạt nhân
Vũ khí hạt nhân là thiết bị có sức phá hủy mạnh nhất từng được con người phát triển. Tên lửa là một chiếc ống khổng lồ chứa nhiên liệu nổ. Kết hợp hai thứ lại với nhau, rủi ro sẽ vô cùng lớn. Việc phóng một thiết bị như thế còn làm gia tăng nguy cơ lên gấp bội phần, cây bút Geoff Brumfiel từ NPR đánh giá.
"Ngay cả thử nghiệm tên lửa thất bại. Một tên lửa mang đầu đạn hạt nhân hỏng cũng là điều đáng sợ", ông Jeffrey Lewis, giám đốc Chương trình Không phổ biến Vũ khí hạt nhân Đông Á thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey, Mỹ, nhận xét.
Từ trước tới nay, rất ít cuộc thử nghiệm kiểu "Chim cốc biển" được thực hiện. Liên Xô hồi năm 1956 từng thử một tên lửa đạn đạo nhưng với đầu đạn có sức nổ cực nhỏ, ông Pavel Podvig, giám đốc Dự án Lực lượng Hạt nhân Nga ở Geneva, cho biết. Loạt cuộc thử nghiệm thứ hai diễn ra hồi đầu những năm 1960 tại bãi thử thuộc khu vực hẻo lánh phía bắc vùng Novaya Zemlya.
Năm 1966, Trung Quốc phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Đông Phong-2 từ một bãi phóng ở phía bắc tới bãi thử ở vùng sa mạc phía tây nước này. Câu chuyện đằng sau vụ thử nghiệm của Trung Quốc có không ít điểm tương đồng với cuộc khủng hoảng Triều Tiên hiện nay, theo ông Lewis.
Sau khi Trung Quốc thử nghiệm hạt nhân lần đầu tiên vào năm 1964, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson khi ấy tỏ ra chủ quan trước năng lực của Bắc Kinh.
"Cần nhiều năm và nỗ lực rất lớn để đi từ bước thử nghiệm thiết bị hạt nhân đầu tiên tới bước sở hữu kho vũ khí đáng tin cậy cũng như hệ thống phóng hiệu quả", ông Johnson lúc bấy giờ quả quyết.
"Mỹ nói 'đấy không phải vũ khí hạt nhân thực sự bởi bạn không thể gắn nó lên tên lửa", Lewis cho hay. "Và Trung Quốc thì tỏ ra như kiểu 'Ồ, được thôi. Sẽ ra sao nếu chúng tôi điều chỉnh lại lịch trình thử nghiệm, mang vũ khí của chúng tôi xuống thử dưới lòng đất, gắn nó lên tên lửa rồi phóng?'. Và họ thành công".
Hiện tại, nguy cơ trên bán đảo Triều Tiên thậm chí còn lớn hơn. Một cuộc thử nghiệm tên lửa hạt nhân của Bình Nhưỡng có khả năng phát tán lượng lớn bụi phóng xạ vào khí quyển.
Ngoài ra, để vươn tới những khu vực xa xôi thuộc Thái Bình Dương, tên lửa hạt nhân Triều Tiên sẽ phải bay qua Nhật Bản và điều này "chắc chắn sẽ khiến người Nhật giận dữ", ông Lewis bình luận.
Vì mức độ rủi ro quá lớn, giới chuyên gia giờ đây vẫn bất đồng ý kiến về việc liệu Triều Tiên có dám mạo hiểm tiến hành một cuộc thử nghiệm khiêu khích như vậy hay không.
"Tôi cá họ sẽ không làm thế", ông Alex Wellerstein, nhà sử học hạt nhân tại Viện Công nghệ Stevens, suy đoán. "Có những cách khác để thể hiện khả năng mà không tiềm ẩn nhiều rủi ro như vậy".
Song Lewis không chắc chắn về nhận định trên. "Nếu chúng ta cứ tiếp tục bảo rằng 'tên lửa hạt nhân của họ không hoạt động", tôi nghĩ họ có thể làm gì đó để chứng minh", ông nói.
Vũ Hoàng