Sau khi tiến hành vụ thử bom nhiệt hạch dưới lòng đất hôm 3/9, Triều Tiên đã chứng tỏ rõ ràng hơn về sức mạnh vũ khí hạt nhân của nước này.
Tuy nhiên, 6 năm sau khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền, vấn đề gây khó hiểu nhất cho giới phân tích là các động cơ của nhà lãnh đạo 33 tuổi này. Chính quyền Mỹ và các đồng minh vẫn chưa thể tìm ra lời giải thích thuyết phục nhất cho động cơ của Triều Tiên đằng sau chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, theo New York Times.
Giữ vững chính quyền?
Một suy đoán phổ biến là các hành động của ông Kim Jong-un, cũng giống như cha và ông nội của mình, chủ yếu xuất phát từ mong muốn giữ vững chế độ gia đình trị ở Triều Tiên.
Tuy nhiên, bên trong chính quyền Trump, nhiều người bắt đầu nghi ngờ suy luận rằng chương trình hạt nhân của ông Kim Jong-un chỉ mang bản chất phòng vệ, nhằm ngăn ngừa Mỹ và đồng minh lật đổ chính quyền khi có thời cơ.
Họ cho rằng mục đích thực sự của ông Kim có thể là hăm dọa để đòi lợi ích, khi Triều Tiên đang chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vươn đến các thành phố Mỹ lớn như Los Angeles, Chicago hay New York.
Mục đích của Kim Jong-un cũng có thể là đẩy xa Mỹ khỏi hai đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc, với hy vọng Trump thực hiện lời đe dọa thời tranh cử rằng ông sẽ rút quân khỏi Nhật và Hàn, trừ phi hai nước này tăng chi phí cho lính Mỹ đồn trú tại đây.
Rất ít người bên ngoài Triều Tiên có cơ hội gặp ông Kim, kể cả những quan chức cấp cao từ Trung Quốc. Những người Triều Tiên đào tẩu thỉnh thoảng xuất hiện ở London hay Seoul và đưa ra những phát biểu về nội tình Triều Tiên, nhưng ít người trong số họ thực sự từng nằm trong bộ máy chính quyền Triều Tiên. Các tài liệu mà cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Edward J. Snowden làm rò rỉ cho thấy các cơ quan tình báo Mỹ từng đột nhập vào hệ thống máy tính của Tổng Cục Trinh sát Triều Tiên, nhưng họ chỉ nắm bắt được thêm về cách thức hoạt động tình báo chứ không nắm bắt được ý đồ của Triều Tiên.
"Bất kỳ ai nói với bạn về những gì Triều Tiên muốn đều là nói dối hoặc chỉ là suy đoán", Jon Wolfsthal, một học giả chương trình chính sách hạt nhân tại Quỹ Hòa bình quốc tế Carnegie, nói.
"Chúng ta không biết Kim Jong-un ăn gì vào buổi sáng, vậy nên làm sao chúng ta biết được mục đích tột cùng của ông ta là gì? Chúng ta không có thông tin tình báo về suy nghĩ cá nhân của ông ấy", Wolfsthal nói tiếp.
Trong các tuyên bố công khai, Triều Tiên nói rõ rằng nước này muốn được chấp nhận như là một thành viên đầy đủ của cộng đồng quốc tế, rằng nước này muốn phát triển kinh tế song song với chương trình vũ khí hạt nhân. Triều Tiên cũng kiên định với mục tiêu bấy lâu nay là thống nhất bán đảo Triều Tiên dựa trên các điều khoản mà Bình Nhưỡng đưa ra.
Mặc dù ông Kim Jong-un liên tục đưa ra các lời đe dọa chiến tranh với Mỹ và Hàn Quốc, các tuyên bố như vậy luôn được đưa ra kèm với giả định rằng Mỹ và Hàn Quốc tiếp tục duy trì "chính sách thù địch" chống lại Triều Tiên. Tuy nhiên, không có tuyên bố nào giải thích hợp lý cho việc Triều Tiên tăng tốc phát triển vũ khí để đe dọa nhiều mục tiêu ở lục địa Mỹ.
"Ông ấy muốn chứng tỏ khả năng đặt một thành phố Mỹ vào nguy cơ bị tấn công hạt nhân. Đó chính là mục tiêu mà ông ấy đang hướng đến", Michael Morell, cựu phó giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) nói trên truyền hình.
Lời giải thích phổ biến nhất là ông Kim Jong-un tin rằng một khi Triều Tiên có thể tấn công Los Angeles, New York hay Washington, Mỹ sẽ không bao giờ có hành động mạo hiểm với ông giống như những gì Mỹ đã làm để lật đổ tổng thống Libya Muammar el-Qaddafi, người bị quân nổi dậy bắt giữ và giết năm 2011.
Qaddafi đã từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân mới manh nha vào năm 2003 để đổi lấy cơ hội hội nhập kinh tế với phương Tây. Các cam kết đó chưa bao giờ được thực hiện đầy đủ. Ngay khi có cuộc nổi dậy trong nước chống lại Qaddafi, Mỹ, các đồng minh châu Âu và một số nước Arab đã điều máy bay ném bom các lực lượng của ông. Sau đó, quân nổi dậy đã bắt và hành quyết ông.
Muốn Mỹ rút trừng phạt và rút quân khỏi Hàn Quốc?
Mục đích của Kim Jong-un có thể không chỉ dừng lại ở chiến lược sinh tồn. Một số cố vấn của Trump và các chuyên gia bên ngoài cho rằng Kim Jong-un nghĩ ông có thể buộc Mỹ rút lại các biện pháp trừng phạt kinh tế và rút quân khỏi Hàn Quốc.
Điểm mà các nhà phân tích còn thắc mắc là ông Kim Jong-un có thể làm gì nếu Mỹ thực sự rút một số hoặc tất cả các lực lượng khỏi Hàn Quốc như cựu trưởng chiến lược gia Nhà Trắng Stephen K. Bannon từng gợi ý. Một số người lo ngại Triều Tiên sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân như lá chắn bảo vệ để xâm lược Hàn Quốc, trong nỗ lực thống nhất bán đảo Triều Tiên bằng vũ lực.
Những nhà phân tích này lo ngại việc Triều Tiên có thể tấn công thành phố Mỹ sẽ làm suy yếu cam kết của Washington với đồng minh. "Nếu người Mỹ phải chọn giữa San Francisco và Seoul, họ sẽ chọn San Francisco", Andrei Lankov, một chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên ở Đại học Kookmin, Seoul, nhận định.
Lankov cho rằng dựa trên tính toán đó, Triều Tiên "có thể châm ngòi một cuộc xung đột ở Hàn Quốc, rồi đưa ra một tối hậu thư cảnh báo người Mỹ rằng nếu họ can dự vào cuộc xung đột này, họ sẽ lãnh đòn trả đũa của Triều Tiên".
Một cuộc xung đột như vậy sẽ là thảm họa cho châu Á và có thể khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng. Theo Lankov, khả năng Triều Tiên sử dụng vũ lực để thống nhất bán đảo Triều Tiên là "rất thấp nhưng hiện hữu".
"Điều quan trọng là cần phải xem xét nghiêm túc lời đe dọa của Bình Nhưỡng", Mo Jongryn, hiệu trưởng trường cao học về nghiên cứu quốc tế ở Đại học Yonsei, Seoul, nói.
Sức mạnh quân sự Triều Tiên dùng để răn đe Mỹ - Hàn. Video: Next Media
Giành ưu thế trên bàn đàm phán?
Tuy nhiên, có một cách giải thích ít kịch tính hơn cho các ý đồ của ông Kim Jong-un: Triều Tiên sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để giành ưu thế trong bất kỳ cuộc đàm phán nào với Mỹ và các đồng minh trong tương lai.
Trước đây, các nhà đàm phán cho rằng Triều Tiên có thể sẵn sàng đem chương trình hạt nhân ra để trao đổi lấy các hỗ trợ kinh tế hay một hiệp ước hòa bình với Mỹ.
Song giờ đây, niềm hy vọng rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ khiến Triều Tiên từ bỏ theo đuổi vũ khí hạt nhân dường như là điều ngớ ngẩn. Thay vì vậy, đang có bàn luận về việc liệu ông Kim Jong-un có thể cân nhắc đóng băng chương trình hạt nhân ở cấp độ hiện tại như một bước đi tạm thời.
Nếu như vậy, có lẽ lời giải thích dễ dàng cho việc Triều Tiên đẩy mạnh phát triển vũ khí hạt nhân là: Trước khi thương lượng đóng băng chương trình hạt nhân, Kim Jong-un có thể muốn đạt được năng lực hạt nhân ở cấp độ lớn đến mức không thể phá bỏ. Tóm lại, ông muốn Triều Tiên được đối xử như Pakistan hay Ấn Độ, những nước đã khẳng định rõ rằng họ sẽ không bao giờ đem kho vũ khí hạt nhân ra trao đổi. Cuối cùng, cộng đồng quốc tế đã thôi yêu cầu hai nước này giải giáp vũ khí hạt nhân.
Muốn được tôn trọng?
Yếu tố chính trị trong nước cũng có thể góp phần khiến ông Kim Jong-un quyết tâm phát triển chương trình hạt nhân. Sở hữu vũ khí hạt nhân là cách tốt nhất để ông nhận được lòng thành kính của người dân.
"Để hợp thức hóa những gì họ làm trong những năm qua, họ cần một kẻ thù như nước Mỹ tiếp tục tồn tại. Nếu kẻ thù đó không còn thì họ không có cơ sở hợp lý để duy trì xã hội Triều Tiên trong tình thế cô lập hoàn toàn như hiện nay nữa", Suzanne DiMaggio, một học giả ở tổ chức tư vấn Nước Mỹ mới (New America) có trụ sở ở Washington, nhận định.
Điều này không có nghĩa là Triều Tiên không có một danh sách yêu cầu nếu họ được mời ngồi vào bàn đàm phán.
Triều Tiên liên tục kêu gọi Mỹ ngừng các cuộc tập trận hàng năm với quân đội Hàn Quốc và rút quân Mỹ khỏi bán đảo Triều Tiên. Triều Tiên có khả năng muốn Mỹ cam kết không bao giờ triển khai trở lại vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Hàn Quốc. Nước này chắc chắn sẽ muốn viện trợ kinh tế và muốn các lệnh trừng phạt kinh tế được dỡ bỏ cũng như được thừa nhận về mặt ngoại giao.
Những người chỉ trích các cuộc đàm phán trước đây với Triều Tiên nói rằng Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ thỏa mãn và sẽ không ngừng đưa ra yêu sách. Một số nhà phân tích cho rằng điều mà Triều Tiên mong muốn nhất là sự tôn trọng. Ông Kim Jong-un có thể muốn trở thành một người chơi quyền lực mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải đối xử ngang hàng.
"Triều Tiên muốn được ghi nhận và tôn trọng. Vì Mỹ xem nhẹ điều này nên họ không nhận ra việc muốn được tôn trọng có thể thôi thúc Triều Tiên làm ra những hành động gay gắt đến mức nào", Cameron Munter, cựu đại sứ Mỹ ở Pakistan, nay là chủ tịch Viện Đông Tây, New York, nói.
Hồng Vân