Suốt nhiều năm, Kim Jong-un chưa rời khỏi Triều Tiên. Ông tập trung vào củng cố quyền lực trong nước. Nhưng tuần qua, từ ngày 25 đến 28/3, ông bất ngờ có chuyến thăm Trung Quốc. Với chuyến đi này, lãnh đạo Triều Tiên đã cho thấy sự tự tin với tâm thế sẵn sàng bước ra sân khấu quốc tế, sánh ngang các lãnh đạo cường quốc khác, theo CNN.
"Chúng tôi từ lâu luôn tin rằng ông Kim sẽ tới Bắc Kinh nhưng ông ấy đã giữ nó trong 7 năm cho đến khi thấy đủ quyền lực để gặp chủ tịch Trung Quốc với vị thế ngang hàng", Jean Lee, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Wilson, nhận xét. "Kim dường như cảm thấy bản thân đã giải quyết được câu hỏi ở trong nước về việc liệu ông có đủ năng lực bảo vệ người dân với tư cách một lãnh đạo quân sự hay không và giờ đây, ông dồn sự chú ý sang mục tiêu chứng minh với thế giới mình có thể đảm nhận vai trò một chính khách quốc tế".
Thử thách năng lực
Hai tháng tới, ông Kim sẽ trải qua bài kiểm tra thực sự về khả năng thể hiện trên trường quốc tế khi có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Thời điểm Kim lên nắm quyền hồi năm 2011, không có bất kỳ bằng chứng hay dấu hiệu nào đảm bảo ông sẽ thành công. Cha ông, cố lãnh đạo Kim Jong-il, đã ghi dấu ấn trong tâm trí người dân Triều Tiên sau hàng chục năm dẫn dắt đất nước. Nhưng lúc bấy giờ, cái tên Kim Jong-un vẫn chưa được nhiều người biết đến.
Sau đám tang cố lãnh đạo Kim Jong-il, giới quan sát dự đoán con trai ông sẽ trở thành một lãnh đạo yếu kém, là con rối trong tay tầng lớp lãnh đạo Triều Tiên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những nhận định ban đầu hoàn toàn sai lầm.
Kim đã từng bước xây dựng quyền lực và thu phục người dân bằng những chiến dịch tuyên truyền quy củ. Ông đẩy mạnh chính sách Songun, ưu tiên quân sự, đổ hàng triệu USD vào quân đội cũng như phát triển vũ khí. Ông bắt đầu tiến hành hàng loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa, khiến quốc tế giận dữ nhưng lại lôi kéo được sự ủng hộ của dân chúng trong nước.
Bán đảo Triều Tiên như đứng bên bờ vực chiến tranh, đặc biệt sau khi ông Trump bước chân vào Nhà Trắng, tuyên bố nhấn chìm Triều Tiên trong "lửa giận" vì các vụ thử vũ khí của Bình Nhưỡng. Tháng 11/2017, Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hiện đại nhất từ trước tới nay, được cho là có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân, bắn trúng mọi mục tiêu trên đất Mỹ.
Nhưng nếu 2017 là năm của thử tên lửa thì 2018 sẽ là năm của ngoại giao, giới chuyên gia nhận định. Hồi tháng một, Bình Nhưỡng đồng ý mở lại các kênh liên lạc với Seoul và đồng ý tham gia Thế vận hội Mùa đông ở Hàn Quốc.
Ông Kim còn cử em gái Kim Yo-jong tới Hàn Quốc, mang theo lời mời Tổng thống Moon Jae-in đến Triều Tiên gặp mặt. Đây là một bước tiến bộ vượt bậc trong mối quan hệ Hàn - Triều mà cách đó vài tháng, không ai dám nghĩ tới. Ông cũng gửi lời mời đến Tổng thống Mỹ thông qua các phái viên Hàn Quốc, mở ra cơ hội tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo.
"Sau khi đạt được khả năng răn đe hạt nhân cơ bản, lúc này, họ đã sẵn sàng bước vào giai đoạn tiếp theo", Tong Zhao, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Carnegie Thanh Hoa về Chính sách Toàn cầu ở Bắc Kinh, nhận xét. "Bình Nhưỡng cần xử lý những hệ quả tiêu cực từ việc họ phát triển vũ khí hạt nhân, khôi phục mối quan hệ với Trung Quốc và cải thiện quan hệ với Mỹ, Hàn Quốc, thậm chí cả Nhật Bản".
Theo cây bút James Griffiths từ CNN, khó khăn của Triều Tiên hiện nay là tìm cách vừa giữ nguyên chiến lược duy trì vũ khí hạt nhân vừa kiềm chế những tiếng nói cứng rắn ở Washington, kêu gọi quân đội Mỹ can thiệp, vô hiệu hóa vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Trong quá khứ, Triều Tiên đã nhiều lần nhấn mạnh rằng họ sẽ không bao giờ từ bỏ sức mạnh hạt nhân nếu các quốc gia khác không làm vậy. Chuyên gia cho rằng viễn cảnh Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa hoàn toàn khó có thể xảy ra. Kịch bản khả quan nhất, Triều Tiên sẽ chỉ chấp nhận ngừng thử nghiệm và giảm một phần kho vũ khí.
Theo nhà phân tích Jean Lee từ Trung tâm Wilson, Kim hiện tại cảm thấy "cần khiến các lãnh đạo khu vực đối xử với ông một cách bình đẳng". "Chúng ta sẽ thấy một chiến lược ngoại giao bài bản của Triều Tiên dần được hé lộ trên trường quốc tế, bắt đầu với Bắc Kinh", bà nói.
Đến nay, chiến lược mà lãnh đạo Triều Tiên theo đuổi dường như đã phát huy hiệu quả, ít nhất là với Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, trước một Tổng thống Mỹ khó đoán như ông Trump, không có gì đảm bảo những diễn biến tương lai sẽ đúng như Bình Nhưỡng mong muốn.
James Hoare, nhà cựu ngoại giao Anh tại Triều Tiên, suy đoán chuyến thăm bất ngờ của ông Kim tới Trung Quốc có thể là để tham vấn cách đối phó với Tổng thống Mỹ. "Họ không hiểu ông Trump và có lẽ họ đã quyết định nói chuyện trực tiếp với Trung Quốc nhằm tìm kiếm những lời khuyên hữu ích làm thế nào để đối phó với Trump và chương trình nghị sự thực chất của Mỹ là gì", ông Hoare nói.
Vũ Hoàng