
Lãnh đạo Catalonia Carles Puigdemont (giữa) và các lãnh đạo ly khai nắm tay trong cuộc tuần hành ở Barcelona hôm 21/10. Ảnh: AP.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã khiến cả nước nín thở khi ông thông báo các bước đi sắp tới nhằm dập tắt phong trào ly khai ở vùng tự trị giàu có Catalonia, theo AP.
Hôm 21/10, ông kêu gọi thượng viện Tây Ban Nha kích hoạt Điều 155 của hiến pháp, cho phép chính quyền trung ương can thiệp tạm thời vào công việc điều hành của một vùng tự trị khi lãnh đạo vùng này bị coi là xúi giục nổi loạn.
Điều 155 chưa từng được Tây Ban Nha áp dụng trước đây và việc kích hoạt nó có lẽ là lời đáp trả mạnh mẽ nhất từ chính quyền trung ương Tây Ban Nha trước nỗ lực ly khai của các lãnh đạo Catalonia, dựa vào kết quả cuộc trưng cầu dân ý hôm 1/10 vốn bị tòa án hiến pháp Tây Ban Nha bác bỏ.
Bình luận viên Joseph Wilson cho rằng khi kích hoạt Điều 155, Thủ tướng Rajoy sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát nhằm chặt bỏ "đôi cánh ly khai" của người Catalonia.
Phế truất lãnh đạo
Điều quan trọng nhất, ông Rajoy muốn phế truất các thành viên ban lãnh đạo chính quyền Catalonia, bao gồm Thủ hiến Carles Puigdemont và Phó thủ hiến Oriol Junqueras cũng như 12 bộ trưởng Catalonia, những người tuyên bố vùng này có chủ quyền và không lệ thuộc vào luật pháp Tây Ban Nha.
Catalonia nhận được quyền tự trị trong nhiều lĩnh vực, gồm giáo dục, y tế và trị an, kể từ khi nền dân chủ được phục hồi ở Tây Ban Nha sau cái chết của tướng độc tài Francisco Franco vào năm 1975.
Sau khi phế truất các vị trí chủ chốt của Catalonia, Madrid nhiều khả năng sẽ tiếp quản bộ máy hành chính với gần 200.000 công chức của khu vực. Tuy nhiên, hiện chưa rõ cách thức mà Madrid sẽ quản lý Catalonia sau công cuộc tiếp quản này. Một phương án có thể được thực hiện là các bộ trưởng Tây Ban Nha sẽ đảm nhận quyền kiểm soát trực tiếp bộ ngành tương ứng tại Catalonia.
Thủ tướng Rajoy từng tuyên bố chính quyền lâm thời sẽ có quyền sa thải bất kỳ công chức Catalonia nào và mọi quyết định của các quan chức điều hành vùng Catalonia đều cần phải được chính quyền trung ương tán thành.
Chính phủ Tây Ban Nha cũng phát đi lời kêu gọi người dân Catalonia khước từ bất cứ chỉ thị nào mà các lãnh đạo vùng đưa ra, cho rằng họ không có quyền pháp lý để làm điều đó.
Một ủy ban đặc biệt gồm 27 thượng nghị sĩ Tây Ban Nha sẽ thẩm định đề xuất của ông Rajoy trong hôm nay. Ông Puigdemont, lãnh đạo Catalonia, sẽ có cơ hội bảo vệ lập trường trước thượng viện Tây Ban Nha vào ngày 26/10 trước khi một cuộc bỏ phiếu định đoạt tương lai Catalonia diễn ra vào ngày 27/10.
Bầu cử sớm
Ở tất cả 17 vùng tự trị của Tây Ban Nha, quyền kêu gọi tổ chức bầu cử sớm thuộc về các lãnh đạo vùng. Thủ tướng Rajoy muốn tạm thời lấy lại quyền này ở Catalonia. Đề xuất ông đưa ra bao gồm cam kết kêu gọi bầu cử sớm ở Catalonia trong vòng 6 tháng.
Phe ủng hộ ly khai ở Catalonia, những người giành được 48% phiếu bầu trong cuộc bầu cử năm 2015, đang nắm giữ 72 trong 135 ghế tại hội đồng lập pháp Catalonia.
Ông Rajoy hy vọng cuộc bầu cử mới sẽ giúp cán cân quyền lực nghiêng về phía những nghị sĩ phản đối ly khai, đặc biệt là những người lo ngại về việc hàng trăm doanh nghiệp đã chuyển trụ sở khỏi Catalonia vì lo sợ viễn cảnh không còn được kinh doanh trong thị trường Liên minh châu Âu (EU) nếu Catalonia tách khỏi Tây Ban Nha.
Hạn chế quyền lực Catalonia

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đề nghị thượng viện kích hoạt điều 155 của hiến pháp để áp đặt quyền kiểm soát trực tiếp đối với Catalonia tại cuộc họp báo ở Madrid hôm 21/10. Ảnh: Reuters.
Dù không yêu cầu giải thể hội đồng lập pháp Catalonia, Thủ tướng Rajoy vẫn muốn hạn chế quyền lực của cơ quan này. Cụ thể, hội đồng lập pháp Catalonia sẽ không được bổ nhiệm tân lãnh đạo chính quyền Catalonia cho đến thời điểm sau khi ông Rajoy kêu gọi bầu cử sớm.
Hội đồng lập pháp Catalonia không được quyền chất vấn chính quyền lâm thời Catalonia và quyền này sẽ tạm thời được chuyển cho thượng viện Tây Ban Nha. Hội đồng lập pháp Catalonia cũng không được phép thông qua các dự luật trái với Điều 155 hiến pháp Tây Ban Nha và chính quyền trung ương sẽ đảm nhận quyền phủ quyết các dự luật.
Một chiến thuật nữa mà Madrid sẽ thực hiện để tăng cường kiểm soát Catalonia là giành lại lực lượng cảnh sát.
Trong số những vùng tự trị của Tây Ban Nha, chỉ Catalonia và xứ Basque mới có quyền triển khai lực lượng cảnh sát riêng. Tây Ban Nha muốn kiểm soát trực tiếp Mossos d'Esquadra, lực lượng cảnh sát riêng của Catalonia.
Madrid sẽ cân nhắc khả năng tăng cường sự hiện diện của cảnh sát quốc gia tại Catalonia, trong khi Josep Trapero, tư lệnh Mossos d'Esquadra, bị điều tra về tội xúi giục nổi loạn.
Tài chính và truyền thông
Tây Ban Nha sẽ tăng cường giám sát tài chính của Catalonia, bảo đảm không có nguồn công quỹ hay nguồn thu nào được sử dụng để thúc đẩy cuộc vận động ly khai. Madrid từng giám sát trực tiếp phần lớn ngân sách Catalonia nhằm ngăn chặn cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập hôm 1/10 nhưng không thành công.
Theo kế hoạch của ông Rajoy, nhà chức trách Tây Ban Nha cũng sẽ giám sát hoạt động của các đài phát thanh và truyền hình nhà nước ở Catalonia được cho là ủng hộ mạnh mẽ phong trào ly khai. Madrid sẽ "bảo đảm truyền bá thông tin đúng, khách quan, cân bằng" và "tôn trọng các giá trị cũng như nguyên tắc của hiến pháp Tây Ban Nha và hiến chương Catalonia", ông Rajoy nhấn mạnh.
Cơ quan Truyền thông Nghe nhìn Catalonia hôm 22/10 tuyên bố sẽ "giữ vững sứ mệnh cung cấp cho tất cả công dân Catalonia... dịch vụ công có chất lượng cao nhất, cam kết các nguyên tắc đạo đức, dân chủ và đa nguyên".
Tuy nhiên, giới quan sát chính trị cho rằng những chiến thuật này của Madrid có thể sẽ không loại bỏ được hoàn toàn ảnh hưởng của giới lãnh đạo đòi ly khai ở Catalonia. Những lời kêu gọi phản kháng và bất tuân dân sự đã trở nên phổ biến trong phe ly khai ở Catalonia.
Các thành phần cứng rắn trong phe ly khai nhiều khả năng sẽ gia tăng áp lực đòi Puigdemont và chính quyền của ông phải tại vị. Không ít người lo ngại một tình thế giằng co bế tắc như vậy có thể dẫn đến các cuộc trấn áp bạo lực như từng diễn ra trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 1/10.
"Tôi không cho rằng ông Puigdemont sẽ đơn giản ra đi vì ông ấy nhận được thư thông báo cách chức", nhà phân tích chính trị Josep Ramoneda nhận xét.
Hồng Vân