
Lãnh đạo Catalonia Carles Puigdemont. Ảnh: AP.
Các nhà ngoại giao châu Âu cho biết lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) quyết định không thảo luận về vấn đề Catalonia muốn ly khai khỏi Tây Ban Nha và kết luận rằng họ chẳng được lợi gì nếu chọc giận Madrid, theo Reuters.
"Vấn đề này không nằm trong chương trình nghị sự của chúng tôi. Tất cả chúng tôi đều có ý kiến và đánh giá riêng nhưng nói một cách chính thức, EU sẽ không can thiệp", Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Donald Tusk nói với phóng viên bên lề hội nghị cấp cao EU ở Brussels, Bỉ hôm 19/10.
Trong khi đó, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani cảnh báo nếu Catalonia tuyên bố độc lập, sẽ không có ai ở EU công nhận vùng này là một quốc gia có chủ quyền. Ông cho biết ông không có ý định gặp lãnh đạo Catalonia Carles Puigdemont hay hòa giải cuộc khủng hoảng ở Tây Ban Nha. Tajani gọi đây là "vấn đề nội bộ của Tây Ban Nha".
Khi được phóng viên hỏi lý do không gặp ông Puigdemont, Tajani nói rằng chỉ có chính phủ Tây Ban Nha mới là đại diện chính thống trong vấn đề này. Ông khẳng định chính quyền Catalonia đã "vi phạm các quy định hiến pháp Tây Ban Nha và cũng vi phạm các quy định về quyền tự trị của Catalonia".
Cách tiếp cận trên của các lãnh đạo EU trái ngược với các chiến lược của họ về hầu hết mọi vấn đề lớn khác trong khu vực trong một thập kỷ qua, bao gồm cuộc khủng hoảng tài chính Hy Lạp và dòng người tị nạn khổng lồ từ Syria sang châu Âu.
Rất nhiều lần, các lãnh đạo EU phải họp đến tận khuya để đi đến một quyết định hay một tuyên bố chính sách chung nhưng tại hội nghị cấp cao lần này, dường như họ đã thống nhất lập trường về vấn đề Catalonia.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nhấn mạnh với các phóng viên rằng Catalonia là vấn đề nội bộ của Tây Ban Nha, quan điểm cũng được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu trong cuộc gặp riêng với Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy bên lề hội nghị cấp cao EU.
"Ông Macron hoàn toàn tin tưởng rằng Thủ tướng Rajoy sẽ giải quyết được tình hình", một nhà ngoại giao Pháp cho biết.
Phát biểu trước cuộc gặp với ông Rajoy, Tổng thống Macron nói ông mong muốn hội nghị cấp cao EU tuần này sẽ là dịp để bày tỏ sự ủng hộ với Tây Ban Nha.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại cuộc gặp bên lề hội nghị cấp cao EU tại Brussels hôm 19/10. Ảnh: AFP.
Chính phủ Tây Ban Nha đã khởi động quá trình tước quyền tự trị của Catalonia. Thủ tướng Rajoy giữ im lặng về vấn đề Catalonia tại hội nghị cấp cao EU nhưng các nhà lãnh đạo đồng cấp của ông đã tổ chức các cuộc họp báo để nêu quan điểm. Thủ tướng Đức Angela Merkel nói với báo chí rằng bà hy vọng các bên giải quyết khủng hoảng Catalonia "dựa trên hiến pháp Tây Ban Nha". Bà nhấn mạnh: "Chúng tôi ủng hộ lập trường của chính phủ Tây Ban Nha".
Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của chính phủ Tây Ban Nha xem nỗ lực đòi ly khai của Catalonia là bất hợp pháp khi nói rằng hiến pháp Tây Ban Nha cần phải được tôn trọng.
"Quan trọng hơn hết, vấn đề Catalonia là vấn đề của Tây Ban Nha và phải được giải quyết ở Tây Ban Nha", ông nói.
Lo ngại châm ngòi làn sóng ly khai
Nhiều nước ở EU lo ngại rằng bất cứ tuyên bố nào về vấn đề Catalonia cũng có thể kích động những làn sóng đòi ly khai ở nước họ.
Cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2009, tỷ lệ thất nghiệp và làn sóng nhập cư đã khiến những bên muốn ly khai và những đảng ủng hộ dân túy, chống EU trong châu Âu càng có cớ để kích thích sự bất mãn trong quần chúng với giới tinh hoa chính trị và khơi gợi sự chia rẽ giữa các khu vực.
Trong khi Anh đang đàm phán để tách khỏi EU, ít lãnh đạo muốn can dự vào một cuộc đàm phán phức tạp khác có thể dẫn đến bất ổn kinh tế và những rắc rối pháp lý mới.
Các nước nhỏ ở EU như Slovenia, những nước trở thành quốc gia chủ quyền sau Chiến tranh Lạnh cũng lo lắng về nguy cơ kích động những nhóm đòi ly khai ở EU. Những nước nhỏ này phụ thuộc vào các nguồn đầu tư từ Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn trong khu vực sử dụng đồng EUR.
"Họ chẳng được lợi gì nhiều nếu ủng hộ Barcelona mà còn mất rất nhiều vì chọc giận Madrid", một nhà ngoại giao cấp cao châu Âu nói.
Hồng Vân