Tổng thống Mỹ Donald Trump đang khiến dư luận hoang mang với các tuyên bố mâu thuẫn nhau về việc đối phó với Syria sau khi nước này bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học nhắm vào dân thường.
Trump đầu tiên cam kết sẽ đáp trả "bằng vũ lực", khẳng định sẽ đưa ra quyết định trong 24-48 giờ. Chưa đầy 48 giờ sau, ông viết trên Twitter rằng Nga hãy cẩn thận vì "tên lửa mới, đẹp và thông minh" đang tới Syria. Nhưng vài giờ tiếp theo, ông lại khẳng định "chưa bao giờ nói khi nào cuộc tấn công vào Syria sẽ diễn ra. Nó có thể diễn ra rất sớm hoặc không sớm cho lắm".
Điều này khiến Ted Lieu, nghị sĩ đến từ bang California, từng phục vụ trong không quân Mỹ và đang là đại tá trong lực lượng không quân dự bị, cho rằng một trong những khiếm khuyết lớn nhất trong chiến lược của ông Trump trong cuộc khủng hoảng Syria là "không có chiến lược nào cả".
Trong bài bình luận đăng trên CNN, ông Lieu khẳng định vấn đề Syria là một thách thức không nhỏ đối với bất cứ chính quyền nào, đặc biệt là khi quốc gia Trung Đông này nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của đồng minh Nga và Iran.
Khi thông tin quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học xuất hiện trên mạng xã hội, Trump lập tức đáp trả bằng những dòng tweet theo phong cách "lãnh đạo cứng rắn" đặc trưng, khi tuyên bố kế hoạch dùng tên lửa để trừng phạt Damascus. Tuy nhiên, kế hoạch của ông đến nay vẫn chưa được thực hiện, bởi đơn giản là Nhà Trắng chưa tính toán được đường đi nước bước để hiện thực hóa tuyên bố của Trump.
Theo Justin Bronk, chuyên gia tại Viện Quân sự Hoàng gia Anh, chính các phát ngôn trên mạng xã hội của Trump cũng phần nào ảnh hưởng đến việc lên kế hoạch tác chiến của các chỉ huy quân sự Mỹ. Thông thường, Mỹ sẽ không tuyên bố trước về cuộc tấn công sắp xảy ra nhằm đảm bảo yếu tố bí mật và bất ngờ, nhưng tất cả đổ bể với lời đe dọa "tên lửa đang tới Syria" trên Twitter của Trump.
Các chuyên gia quân sự cho rằng khi Trump tung ra lời đe dọa này, cả Nga và Syria đều có thể dự đoán được loại vũ khí mà Mỹ sẽ sử dụng, thời điểm Mỹ có thể tấn công, từ đó có biện pháp đối phó nhanh chóng. Không quân Syria đã sơ tán nhiều máy bay đến căn cứ Hmeymim của Nga, trong khi các lực lượng phòng không được đặt trong tình trạng báo động chiến đấu cao, sẵn sàng bắn hạ tên lửa "mới, đẹp và thông minh" của Mỹ.
Nghị sĩ Lieu cho rằng việc lên kế hoạch hành động chớp nhoáng có thể phát huy hiệu quả trong phòng điều hành của Tập đoàn Trump, nhưng đó lại là chiến thuật thảm họa trong lĩnh vực đối ngoại. Mới chỉ tuần trước, Trump kêu gọi rút quân khỏi Syria. Vài ngày sau, Tổng thống Mỹ đe dọa phóng tên lửa vào quốc gia này, khiến những hoài nghi về tầm nhìn dài hạn của Mỹ với Syria nói riêng và vấn đề quốc tế nói chung bị hoài nghi.
"Mỹ không thể thực thi chiến lược thuyết phục trên toàn cầu khi không ai có thể chắc chắn Tổng thống đang thực sự muốn nói gì. Là thành viên Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, đến bản thân tôi còn thấy mịt mờ, huống gì là các dư luận và các đồng minh của Mỹ", ông Lieu nhấn mạnh.
Chiến lược phớt lờ quốc hội
Trong thực tế, quốc hội Mỹ từng yêu cầu chính quyền Trump phải đưa ra một chiến lược toàn diện đối với vấn đề Syria trước ngày 1/2. Nhưng hơn hai tháng trôi qua sau hạn chót, Nhà Trắng vẫn chưa xây dựng được chiến lược và cũng không đưa ra lời giải thích nào với các nghị sĩ.
"Chiến lược toàn diện với vấn đề Syria, vốn được kỳ vọng sẽ dài hơn những dòng tweet có tối đa 280 ký tự, vẫn là yêu cầu quan trọng để bảo vệ lợi ích của Mỹ ở Trung Đông", nghị sĩ Lieu nói.
Ông khẳng định cách tiếp cận "đánh trước, hỏi sau" không phải là chiến lược hiệu quả đối với Mỹ, đồng thời là hành động vi hiến. Khi không được quốc hội ủy quyền sử dụng vũ lực, Tổng thống Trump không được quyền ra lệnh phóng tên lửa, cho máy bay không kích hay điều bộ binh tấn công quân đội Syria.
Theo bình luận viên W. James Antle của The Week, các đời tổng thống Mỹ trước thường tham vấn ý kiến của quốc hội trước khi có các hành động chiến tranh. Việc trừng phạt bằng vũ lực luôn được xem xét, thảo luận kỹ lưỡng, ngay cả khi đối phương bị cáo buộc thực hiện những hành vi kinh khủng nhất.
Tổng thống Obama đã ra điều trần trước quốc hội khi đe dọa không kích Syria năm 2013, Tổng thống Bush cũng thường xuyên lắng nghe tiếng nói phản biện từ các nghị sĩ trước khi quyết định cho Mỹ tham chiến. Những tiếng nói phản chiến đó giờ đây hoàn toàn im ắng ở Washington, Antle cho biết.
Trump chưa bao giờ ra điều trần trước quốc hội Mỹ để được ủy quyền sử dụng vũ lực với Syria, điều khiến nhiều người tin rằng việc ông ra lệnh phóng tên lửa Tomahawk tấn công Syria hồi tháng 4/2017 là không phù hợp với hiến pháp. Nếu Trump tiếp tục phớt lờ quốc hội để ra lệnh không kích Syria lần hai, Nhà Trắng sẽ không có cách nào để xử lý một cuộc xung đột nguy hiểm nếu nó vượt khỏi tầm kiểm soát, đặc biệt là trong kịch bản đối đầu quân sự với Nga.
"Tổng thống Trump dường như không muốn hoàn thành nghĩa vụ của mình trước quốc hội và người dân Mỹ. Trong thực tế, việc không muốn phối hợp với quốc hội là chiến lược duy nhất mà chúng ta thấy ở chính quyền này", Lieu viết.
Antle cho rằng để chứng minh mình có chiến lược lâu dài tại Syria, các quan chức chính quyền Trump cần cho thấy họ đã thực hiện những hành động cụ thể để giải quyết các vấn đề gốc rễ của xung đột ở quốc gia này, hơn là chỉ thỏa mãn cái tôi cá nhân, bất chấp sinh mệnh của nhiều dân thường Syria đang bị đe dọa.
Vấn đề này càng trở nên cấp bách sau những gì Mỹ đã làm ở Iraq và Libya, nơi các chiến dịch can thiệp quân sự lật đổ chính quyền đã gây ra những thảm họa nhân đạo lớn và không thực sự đem lại nhiều lợi ích cho an ninh quốc gia Mỹ.
"Hành động quân sự chỉ hiệu quả khi được thực hiện như một phần của chiến lược toàn diện nhằm đạt được mục tiêu cụ thể. Binh sĩ trong quân đội Mỹ xứng đáng được biết lệnh tấn công mà họ được giao có nằm trong chiến lược lớn hay không và có phù hợp với hiến pháp hay không", nghị sĩ Lieu khẳng định.
Trí Dũng