Cựu giám đốc công an Trùng Khánh Vương Lập Quân. Ảnh: Shanghaiist |
'Nhân chứng' của Vương Lập Quân
Khi ô tô của cảnh sát Trung Quốc vây quanh tòa nhà lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô, miền nam Trung Quốc, ông Vương Lập Quân đưa cho các nhà ngoại giao Mỹ số điện thoại di động của người "đồng lõa" với ông. Vương nói đây là một nhân chứng chứng minh vai trò của vợ ông Bạc Hy Lai trong cái chết của doanh nhân người Anh Neil Heywood, Wall Street Journal dẫn lời những người chứng kiến sự việc cho biết.
Trong suốt 30 giờ đồng hồ, các quan chức ngoại giao Mỹ phải cân nhắc những thông tin ông Vương đưa ra để nhờ trợ giúp và xin cấp quyền tị nạn. Sự việc này có thể khiến mối quan hệ Mỹ-Trung trở nên căng thẳng. Cuối cùng, các nhà ngoại giao Mỹ nói ông Vương không chính thức xin tị nạn và ông rời lãnh sự quán Mỹ cùng với quan chức đến từ Bắc Kinh.
Tuy nhiên, câu chuyện không dừng lại ở đó. Trong một tài liệu chưa từng công bố, Mỹ được cho là đã đưa số điện thoại này cho các nhà ngoại giao Anh và hướng dẫn họ cách xác thực thông tin mà ông Vương đưa ra. Hướng dẫn này bao gồm lập một tài khoản thư điện tử và sử dụng dịch vụ nhắn tin. Các nhà ngoại giao Anh đã lập hộp thư và gửi tin nhắn đến số điện thoại mà Vương cung cấp. Những người liên quan đưa ra những thông tin khác nhau về thời gian và thông tin nhân chứng đó trả lời.
Một nguồn tin cho rằng nhà ngoại giao Anh gọi điện và nhắn tin nhiều lần từ ngày 9/2 nhưng không nhận được phản hồi. Một nguồn tin khác nói rằng các nhà ngoài giao Anh không thiết lập tài khoản email nhưng nhận được hai tin nhắn có xác nhận những lời của Vương đưa ra nhưng không kèm theo bằng chứng. Người phát ngôn của sứ quán Anh nói: "Chúng tôi đã thực hiện nhiều biện pháp để xác thực các thông tin".
Ngoại trưởng Anh Wiliam Hague từng cho biết ông được báo cáo về sự việc từ hôm 7/2 và đại sứ quán Anh lần đầu yêu cầu chính phủ Trung Quốc điều tra về cái chết của Neil Heywood trong ngày 15/2.
Theo các nguồn tin trong đảng, các nhà ngoại giao và các chính trị gia, Vương đã chuẩn bị sẵn cho tình huống bị nhà chức trách bắt vào tù. "Điều này cho thấy, Vương không chỉ có một mình", một quan chức phương tây nói.
Trong phiên xét xử tội giết người của bà Cốc Khai Lai, vợ ông Bạc Hy Lai, cáo trạng viết bà Cốc đã nói với Vương về kế hoạch giết Heywood và âm mưu phối hợp với Vương ngụy tạo bằng chứng rằng Heywood là kẻ buôn ma túy và bị bắn chết khi đang chạy trốn. Tuy nhiên, Vương phản đối âm mưu trên và bà Cốc tự tiến hành kế hoạch đầu độc của mình. Các nhà quan sát cũng cho cho biết Vương đã gặp Cốc sau ngày Heywood chết và bí mật ghi âm lời thú tội của bà.
Trong khi đó, dấu hiệu đầu tiên cho cuộc khủng hoảng ở Trùng Khánh bắt đầu ngày 2/2 khi xuất hiện thông báo trên trang web chính thức của chính quyền Trùng Khánh rằng ông Vương bị cách chức giám đốc công an và nhận chức vụ mới là phó thị trưởng thành phố.
Không lâu sau đó, Vương bố trí một cuộc gặp với các quan chức lãnh sự quán Anh tại Trùng Khánh nhưng không xuất hiện. Cùng khoảng thời gian đó, Vương cũng sắp xếp cuộc gặp với lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô để bàn thảo công việc liên quan đến chức vụ mới của mình, nguồn tin thân cận với vụ việc cho hay. Sau đó, ông lái xe hơn 200 km từ Trùng Khánh tới Thành Đô ngày 6/2 đến lãnh sự quán được bao vây cẩn mật giữa trung tâm thành phố.
Các nhà ngoại giao Mỹ đã không ngờ được rằng cơn bão chính trị sắp bùng nổ nên đã đưa Vương đến thư viện của lãnh sự quán, thay vì một phòng an toàn và chống nghe trộm. Vương tỏ ra bị kích động và lo lắng cho sự an toàn của mình nhưng dường như đã chuẩn bị sẵn kế hoạch. Vương kể với các nhà ngoại giao Mỹ về những việc làm của ông Bạc và cung cấp những thông tin chống lại bà Cốc.
Trong các thông tin cung cấp, Vương không nói rằng Heywood bị đầu độc bởi chất độc cyanide mà chỉ nói rằng có dấu vết của sự đầu độc mà nhà chức trách địa phương không thể kiểm chứng. Vương cũng nói rằng bà Cốc đã thú nhận với Vương rằng bà đã sát hại Heywood.
Những thông tin trước đó cho rằng Vương mang theo tài liệu bên mình nhưng theo những người có liên quan trực tiếp với câu chuyện khẳng định thì Vương không mang theo tài liệu. Một điểm nữa cho thấy Vương không thể đem theo bằng chứng, bởi tòa nhà lãnh sự quán được cảnh sát Trung Quốc bao vây kín.
Lý do Vương đến lãnh sự quán Mỹ
Có nhiều giả thiết đưa ra về lý do Vương tiếp cận các nhà ngoại giao Mỹ. Một trong những giả thiết được một số nhân vật thân cận với các nhà lãnh đạo đảng của Trung Quốc đưa ra cho rằng trước khi Heywood chết, Vương đã bị điều tra vì nghi ngờ lạm dụng quyền lực tại thành phố Trùng Khánh.
Một số nguồn tin khác trong đảng nói rằng ông Vương có liên quan đến vụ điều tra về tham nhũng khi còn là giám đốc an ninh của thành phố Thiết Linh, tỉnh Liêu Ninh. Những người này nói Vương đã dựa vào thế lực chính trị của ông Bạc nhưng sau đó nhận ra "ông chủ" không còn tiếp tục bảo vệ mình.
Bạc Hy Lai và Vương Lập Quân. Ảnh: Chnsuv |
Vào khoảng cuối tháng 1, trong một nỗ lực gây áp lực lên ông Bạc Hy Lai, Vương đã nói với Bạc rằng vợ ông có liên quan đến cái chết của Heywood. Tuy nhiên, Bạc từ chối cung cấp cho Vương những điều Vương muốn và cách chức "cánh tay phải" của mình ba ngày sau đó.
Ở bên trong lãnh sự quán Mỹ, Vương đã yêu cầu tránh khỏi sự truy đuổi của Bạc. Khi đó, ông Peter Haymond, trưởng lãnh sự Mỹ tại Thành Đô, đang đi công tác bên ngoài thành phố nhưng vội vã quay trở về. Các nhà ngoại giao ở đây hết sức bất ngờ và lập tức thông báo với đại sứ quán tại Bắc Kinh để liên lạc với Washington. Các thành viên Hội đồng An ninh quốc gia được thông báo về sự việc nhưng Tổng thống Mỹ Barack Obama không được báo cáo về việc này.
Đó là một tình huống khó khăn cho các nhà ngoại giao Mỹ. Mặc dù Vương là nguồn cung cấp thông tin tình báo tiềm năng, ông này không cần hội đủ các điều kiện để xin tị nạn nhưng việc bảo vệ Vương có thể sẽ khiến Trung Quốc tức giận ngay trước thời điểm chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Mỹ. Các nhà ngoại giao Mỹ phải quyết định sớm liệu Vương có giá trị tình báo đủ nhiều so với hậu quả chính trị hay không.
Cuối cùng, các nhà ngoại giao Mỹ giải thích rằng Vương không đủ điều kiện xin tị nạn ở Mỹ và rất khó để đưa ông rời khỏi Trung Quốc. Sau khi thảo luận, Vương đồng ý rằng sự lựa chọn tốt nhất dành cho ông là tự thú với nhà chức trách của trung ương. Trung ương sẽ bảo vệ ông khỏi lực lượng của Bạc Hy Lai. Vương đã sử dụng 3 chiếc sim điện thoại khác nhau để thảo luận với nhà chức trách từ Bắc Kinh.
Vương đồng ý được quan chức Bộ Công an Trung Quốc dẫn về Bắc Kinh. Từ đó ông được giữ ở một địa điểm bí mật trong vài tháng qua.
Bà Cốc Khai Lai không kháng cáo bản án dành cho mình nhưng tìm cách bào chữa trước những lời cáo buộc của Vương. "Bà ấy và luật sư dường như cố gắng rất nhiều để làm giảm nhẹ sự việc so với những lời kể của Vương", một nhà quan sát cho biết.
Vương Lập Quân vừa bị tòa án ở Thành Đô xét xử vì tội đào tẩu, nhận hối lộ và lợi dụng chức quyền. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, bản cáo trạng của tòa án buộc tội Vương, cựu giám đốc công an Trùng Khánh, đã che đậy sự việc liên quan đến vợ ông Bạc Hy Lai trong quá trình điều tra, nhận một số tiền "khổng lồ" và sử dụng phi pháp các thiết bị công nghệ.
Không lâu sau khi phiên xử Vương Lập Quân kết thúc, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ công bố mức án dành cho ông Bạc, cựu ủy viên Bộ chính trị, cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh, người đã mất hết các chức vụ từ tháng 4. Ông Bạc có thể phải đối mặt với những cáo buộc hình sự, các nguồn tin trong đảng, chính quyền và các nhà ngoại giao cho hay.
Tuy nhiên, phiên xử Vương Lập Quân không trả lời được câu hỏi mà nhiều người thắc mắc bấy lâu nay, ví dụ như bí mật gì của ông Bạc mà ông Vương nắm giữ và lý do thực sự nào khiến Vương đến lãnh sự quán Mỹ. Nhiều người Trung Quốc bấy lâu nay đã hoài nghi về bản án dành cho bà Cốc Khai Lai, nay không chắc chắn là Vương là người có tội hay là một người hùng.
Vũ Hà (Theo Wall Street Journal)