Vương Lập Quân, cựu giám đốc công an Trùng Khánh, đang bị nhà chức trách điều tra về tội tiết lộ bí mật quốc gia cho Mỹ. Ảnh: New York Times |
Vào buổi tối ngày 6/2, phó thị trưởng Trùng Khánh, thành phố lớn của Trung Quốc, xuất hiện tại Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô trong trạng thái bối rối, kể một câu chuyện về tham nhũng và mưu sát.
Theo The New York Times, Vương Lập Quân, cựu giám đốc công an Trùng Khánh, khi đó là phó thị trưởng thành phố, xin tị nạn Mỹ vì lo sợ cho sự an toàn của mình. Trong khi đó, lực lượng an ninh Trung Quốc nhanh chóng bao vây tòa nhà của lãnh sự quán và yêu cầu các nhà ngoại giao Mỹ trao trả Vương Lập Quân ra.
Trong lúc các nhân viên lãnh sự quán gọi điện tới tấp về Washington, thậm chí các cuộc điện đàm còn vươn tới tận Nhà Trắng, ông Vương ở lại qua đêm, cho đến khi một quan chức từ Bắc Kinh được sắp xếp đến để hộ tống Vương vượt qua hàng rào của cảnh sát địa phương trung thành với ông Bạc. Các nhà chức trách Bắc Kinh hiện tạm giữ và điều tra tội danh tiết lộ các bí mật quốc gia cho Mỹ của Vương Lập Quân. Nếu bị kết tội phản quốc, ông này có thể phải đối mặt với án tử hình.
Các quan chức chính phủ, nghị sĩ và các nhà ngoại giao Mỹ nói thông tin mà ông Vương tiết lộ có liên quan đến Bạc Hy Lai, người vừa bị cách chức bí thư thành ủy Trùng Khánh và đình chỉ chức vụ ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên trung ương đảng. Ông Vương từng là người thân tín của ông Bạc trước khi phải đến Lãnh sự quán xin tị nạn.
Theo các quan chức chính phủ Mỹ thì các nhà ngoại giao không đưa tờ khai để ông Vương xin tị nạn vì những đặc thù về nhân thân của ông Vương. Họ cũng lo ngại về những khó khăn sẽ gặp phải nếu đồng ý đưa ông ra khỏi Trung Quốc. Thay vào đó, Bộ Ngoại giao Mỹ bảo vệ ông Vương khỏi bị cảnh sát địa phương bắt và để ông này cung cấp những thông tin mình biết cho Bắc Kinh.
Sau đó, Bạc Hy Lai bị cách chức, vợ ông, bà Cốc Khai Lai, bị nghi ngờ là thủ phạm giết hại doanh nhân người Anh Neil Heywood. Đây được coi là vụ scandal chính trị lớn nhất Trung Quốc trong nhiều năm qua.
Thời điểm Vương Lập Quân đến Lãnh sự quán Mỹ không thể nhạy cảm hơn được nữa, bởi nó xảy ra chỉ một tuần trước khi phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến công du tới Washington theo lời mời của Phó tổng thống Joseph R. Biden. Đồng ý cho ông Vương tị nạn sẽ có thể ảnh hưởng thậm chí phá hủy chuyến thăm của ông Tập.
Vì vậy, vai trò của Mỹ trong vụ việc được giấu kín trong im lặng. Các quan chức của Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng từ chối bình luận về mối liên hệ của Vương Lập Quân với nhân viên ngoại giao Mỹ.
"Sẽ là cực kỳ không khôn ngoan nếu Mỹ công khai tham gia vào các sự việc nội bộ của Trung Quốc. Mỹ và Trung Quốc đang cần củng cố mối quan hệ", ông Orville Schell, giám đốc trung tâm quan hệ Mỹ-Trung thuộc viện xã hội châu Á nói.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua không trả lời câu hỏi của các phóng viên về việc có thực là ông Vương xin tị nạn hay không. Theo nguyên tắc, nhà chức trách không bao giờ tiết lộ không tin liên quan đến các đơn dạng này. Ông Vương hiện đang được tạm giữ bởi giới chức Trung Quốc để phục vụ điều tra.
Vũ Hà (Theo New York Times)