Bạc Hy Lai trong cuộc họp quốc hội đầu năm nay, ngay trước khi ông bị cách chức. Ảnh: AFP |
Vào tháng 8 năm ngoái, khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, nhấc điện thoại lên để nói chuyện với quan chức chống tham nhũng cấp cao đang ở thăm Trùng Khánh, một thiết bị đặc biệt đã phát hiện ra rằng ông bị nghe lén. Hành động nghe trộm được cho là do các quan chức địa phương của thành phố miền tây nam Trung Quốc thực hiện.
Phát hiện trên dẫn đến cuộc điều tra chính thức và kết quả là sự ra đi của ủy viên trung ương, bí thư thành ủy Trùng Khánh, Bạc Hy Lai - vụ chấn động chính trị lớn tại Trung Quốc trong nhiều năm qua.
Cho đến nay, việc ông Bạc bị đình chỉ hết mọi chức vụ được cho là có liên quan đến những chiến dịch truy quét tội phạm quá mạnh tay, thêm vào đó là việc vợ của ông bị tình nghi giết người. Tuy nhiên, thông tin lần đầu được tiết lộ về những máy nghe trộm, cho thấy có thêm một lý do nữa cho sự sụp đổ của ông Bạc.
Hàng chục người có quan hệ gần gũi với đảng đề nghị giấu tên đã cung cấp thông tin cho The New York Times. Những người này xác nhận có việc nghe trộm quan chức cấp cao và có mạng lưới nghe trộm ở Trùng Khánh nhưng các công bố chính thức của Trung Quốc "bỏ sót" điều này.
Các công bố chính thức chỉ tập trung chủ yếu vào cái chết của doanh nhân người Anh Neil Heywood hồi tháng 11 năm ngoái sau khi ông Vương Lập Quân, cựu giám đốc công an Trùng Khánh, đến xin tị nạn ở Lãnh sự quán Mỹ và tiết lộ các chi tiết về cái chết của Heywood.
Liên quan đến vụ án giết người là lý do không thể cứu vãn được cho sự nghiệp chính trị của ông Bạc. Tuy nhiên nhiều nguồn tin cho biết, nghe lén mới là nguyên nhân chính dẫn đến sự ra đi của ủy viên trung ương. Việc chặn thu thông tin được cho là một trong những toan tính của ông Bạc để thăng tiến trong nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, nó lại làm cho ông không thể được ngồi vào các vị trí quan trọng trong mùa thu này.
"Các quan chức đều củng cố bộ máy của mình với mục đích duy trì vị thế, nhưng không ai dám theo dõi các lãnh đạo của ủy ban trung ương cả", một quan chức về truyền thông của chính phủ bình luận về nghe trộm.
Bạc - Vương rạn nứt
Theo những thành viên cao cấp của đảng gồm các nhà báo, học giả và những người có quan hệ với quân đội thì Bạc Hy Lai đã bắt đầu mạng lưới nghe trộm từ vài năm nay, trong chương trình nâng cấp hệ thống giám sát do nhà nước đầu tư, dưới vỏ bọc truy quét tội phạm và đảm bảo ổn định chính trị cho địa phương.
Người thực hiện là Vương Lập Quân, cánh tay phải của ông Bạc từ khi ở Liêu Ninh cho đến Trùng Khánh. Họ kết hợp với nhau để tạo nên một "hệ thống theo dõi hỗn hợp từ điện thoại đến Internet".
Một trong những chuyên gia an ninh mạng mà họ mời làm việc là Phương Tân Hưng (Fang Binxing), Hiệu trưởng Đại học Bưu điện và Truyền thông Bắc Kinh, người được biết đến với tư cách là cha đẻ của hệ thống tường lửa nổi tiếng của Trung Quốc. Mới đây, ông Phương vẫn khuyên Trùng Khánh nên sử dụng một số công nghệ mới. Giám đốc cảnh sát Trùng Khánh Vương Lập Quân có tên trong danh sách giáo viên thỉnh giảng của trường đại học của Phương. Nhờ hệ thống nghe lén, ông Bạc và ông Vương đã tung ra một chiến dịch triệt hạ những gì mà họ cho là đường dây phạm tội, kiểm soát phần lớn đời sống kinh tế ở Trùng Khánh.
"Trên điện thoại, chúng tôi không dám nhắc đến tên Bạc Hy Lai hoặc Vương Lập Quân", một người kinh doanh bất động sản chạy trốn ra nước ngoài kể lại. Thay vào đó, ông này cùng những người kinh doanh khác viết tay những ký hiệu nguệch ngoạc, tháo pin điện thoại di động và dùng sim rác để trốn tránh sự kiểm soát.
Lý Trương, một luật sư có tiếng ở Bắc Kinh, kể lại rằng thân chủ của ông có những người bạn chuyên dùng sim rác để chống nghe lén. Bất chấp sự đề phòng này, cảnh sát Trùng Khánh vẫn lần ra ông ta ở ngoại ô Bắc Kinh, cách Trùng Khánh 900 km, sau khi ông thực hiện một cuộc gọi.
"Họ như có một cuộc phục kích vậy", ông Lý nói đồng thời gọi Vương Lập Quân là "kẻ nghe lén xấu xa".
Một nhà phân tích chính trị có mối quan hệ với các quan chức cấp cao, trích dẫn thông tin có được từ một đại tá mà ông có dịp tiếp xúc gần đây nói rằng Bạc Hy Lai đã cố gắng ghi lại các cuộc điện thoại của tất cả lãnh đạo cấp cao đến thăm Trùng Khánh trong những năm trở lại đây.
"Ông Bạc muốn biết chắc thái độ của các lãnh đạo cấp cao đối với mình như thế nào", nhà phân tích nói.
Nguồn tin từ hai nhà báo cho biết một ví dụ khác trong năm ngoái là những công nhân thao tác bị bắt quả tang chặn cuộc gọi giữa văn phòng của ông Hồ Cẩm Đào với ông Lưu Quang Lỗi, quan chức quân đội và là người tiền nhiệm của Vương Lập Quân. Ông Lưu từng là cấp dưới của ông Hồ Cẩm Đào thời những năm 1980 ở tỉnh Quý Châu.
Đầu năm nay, Ủy ban kiểm tra của Trung Quốc đã cử 4 tổ điều tra đến Trùng Khánh, trong đó hai đội điều tra bí mật, nhà phân tích dẫn nguồn của Ủy ban điều tra cho hay. Một tổ sẽ tiến hành điều tra vai trò của ông Vương khi là giám đốc công an Liêu Ninh trong vụ án nhận hối lộ của cảnh sát ở đây.
Ngoài lý do chuyến thăm thường lệ, hiện chưa rõ tại sao Bộ trưởng Bộ giám sát Mã Văn, người gọi điện thoại cho Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, lại đến Trùng Khánh. Chuyến đi bí mật của bà Mã và các cuộc điện thoại của bà từ nhà khách Trùng Khánh đến điện thoại của ông Hồ Cẩm Đào được theo dõi chặt chẽ theo chỉ đạo của ông Bạc.
Nội dung của cuộc điện thoại không được biết đến, nhưng dường như cũng không quan trọng. Phần lớn những cú điện thoại không còn được bảo đảm nên những thông tin quan trọng sẽ được trao đổi trực tiếp hoặc qua văn bản mật. Tuy nhiên, việc ông Bạc ghi âm cuộc trò chuyện của ông Hồ, dù có cố ý hay không, là không thể chấp nhận được, và khiến Bắc Kinh tức giận.
"Ông Bạc muốn đổ tội cho Vương Lập Quân vì Vương không dám nói rằng đó là ý đồ của ông Bạc", một quan chức cao cấp trong ngành truyền thông cho biết. Tuy nhiên, trước khi chạy trốn khỏi Trùng Khánh, ông Vương được cho là đã viết hai đơn khiếu nại lên Ủy ban trung ương, một bức giấu tên, bức thứ hai ghi tên thật, một nguồn tin có quan hệ với ông Bạc cho hay.
Ông Vương đến Lãnh sứ quán Mỹ xin tị nạn, nói về một số chi tiết liên quan đến cái chết của doanh nhân người Anh, tuy nhiên không nói về vấn đề nghe lén với các nhân viên ngoại giao Mỹ. Tuy nhiên, thực sự có tồn tại mâu thuẫn giữa hai người này khi ông Bạc phát hiện ra ông Vương ghi âm cả ông Bạc và vợ mình, nguồn tin này cho hay. Sau khi ông Vương bị bắt giữ hồi tháng 2, Bạc Hy Lai đã bắt giữ chuyên viên kỹ thuật về nghe lén của Vương ở Liêu Ninh.
Tài liệu lưu hành nội bộ trong đảng nói rằng, nghe lén là hành vi phạm tội nghiêm trọng nhất mà ông Bạc mắc phải. Một bản cáo trạng sơ bộ hồi tháng 3 cáo buộc ông Bạc gây tổn thất cho sự đoàn kết trong đảng bằng cách thu thập những tài liệu của các nhà lãnh đạo khác. Tuy nhiên, các quan chức trong đảng nói sẽ tổn thất hơn nhiều nếu công bố việc nghe lén nên nhiều người dự đoán rằng trong kết quả điều tra cuối cùng sẽ không có nội dung này mà chỉ tập trung chủ yếu vào các tội về kinh tế và giết người, nguồn tin là một quan chức về truyền thông nói.
Vũ Hà (theo NYT)