Bạc Hy Lai phát biểu trong một hội nghị khi còn giữ chức bí thư thành ủy Trùng Khánh. Ảnh: Shanghaiist |
"Đả hắc" từng được biết đến như một chiến dịch tiên phong, trấn áp tội phạm hiệu quả. Nay, những chi tiết đằng sau chiến dịch đang bị tố là bao gồm các biện pháp như tra tấn, bức cung, vu khống, phá hoại việc kinh doanh của một số doanh nghiệp trong khi lại bảo kê cho những người thân tín của ông Bạc.
"Đây là điều không thể chấp nhận được, ông ấy đã đi quá giới hạn", Cheng Li, một nhà phân tích chuyên nghiên cứu giới lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc tại Viện Brookings nói với New York Times.
Cho đến gần đây, những việc làm của ông Bạc vẫn còn được ca ngợi và Bạc Hy Lai vẫn là một cái tên sáng giá, hứa hẹn xuất hiện trong hàng ngũ lãnh đạo kế tiếp của Trung Quốc. Có tới 6 trong 9 ủy viên bộ chính trị Trung Quốc đến thăm Trùng Khánh từ năm 2009, khi uy tín của ông Bạc lên cao.
Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo không tới Trùng Khánh trong thời gian Bạc Hy Lai giữ chức bí thư thành ủy. Trong cuộc họp quốc hội vừa qua, ông Ôn Gia Bảo nhiều lần đề cập tới vụ án của cựu giám đốc công an Trùng Khánh như một nguy cơ có thể dẫn đến "bi kịch cách mạng văn hóa lần hai", cần phải được loại trừ tận gốc.
Chống tham nhung là một trong những lý do chính đẩy Bạc Hy Lai lên vị trí nổi bật trong nền chính trị Trung Quốc. Ông cũng được biết đến như là cha tinh thần của một phong trào nhằm làm hồi sinh các tư tưởng từ thời Mao Trạch Đông, tổ chức những cuộc thi hát "nhạc đỏ", từ đó vị thế của ông Bạc ngày càng được nâng cao trong số những quan chức thiên tả.
"Đả hắc" bắt đầu từ năm 2009, là một đòn giáng mạnh vào tình trạng tham nhũng và coi thường pháp luật của một bộ phận chính quyền và tầng lớp doanh nhân tại Trùng Khánh. Chiến dịch này được coi là "vương miện vàng" của ông Bạc, và ông được tôn vinh là "người dám làm".
Chỉ trong vòng 10 tháng, đã có gần 4.800 người bị bắt giữ, bao gồm các doanh nhân, cảnh sát, nhà lập pháp và những thành phần khác. Họ bị cáo buộc phạm tội hoặc bao che cho hoạt động tội phạm có tổ chức.
Một trong các vụ án nổi cộm là phanh phui việc một quan chức tư pháp cấp cao của Trùng Khánh, bị phát hiện chôn 3 triệu USD dưới ao cá. Người này bị xử bắn tháng 7/2010, là một trong 13 người nhận án cao nhất trong chiến dịch đả hắc của ông Bạc.
Bạc Hy Lai từng phủ nhận những lời chỉ trích rằng chiến dịch trấn áp quá hà khắc. "Vẫn còn những cơn sóng ngầm ngoài kia. Các vụ bắt giữ liên quan đến nhiều thành phần nên gây ảnh hưởng đến nhiều người và công việc làm ăn và lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp. Như vậy sao lại không gây nên tranh cãi được chứ?", ông Bạc phát biểu hồi tháng 8/2010.
Người đứng đầu chiến dịch "đả hắc" là giám đốc công an Trùng Khánh thời điểm đó, Vương Lập Quân. Ông này từng là cánh tay phải, sau bị chính Bạc Hy Lai sa thải, và cũng chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự "ngã ngựa" của bí thư thành ủy.
Tháng trước, ông Vương thu hút sự chú ý của dư luận khi đến Lãnh sự quán Mỹ tại Tứ Xuyên để xin tị nạn vì lo lắng cho sự an toàn của mình. Một báo cáo trong tuần trước tiết lộ ông Vương cảm thấy lo sợ cho tính mạng của mình, sau khi thông báo cho ông Bạc rằng chính gia đình ông Bạc đang bị điều tra.
Một số người bị bắt trong chiến dịch "đả hắc" nói họ thấy thật buồn khi bây giờ chính phủ mới điều tra xem ông Bạc có phạm luật hay không. Họ cho rằng chiến dịch đã vượt qua giới hạn của pháp luật từ hai năm nay.
Nhiều bằng chứng được đưa ra sau khi ông Bạc bị cách chức. Gong Gangmo, 48 tuổi, một nhà kinh doanh xe máy có tiếng, và Fan Qihang, 40 tuổi, một nhà thầu xây dựng, bị cáo buộc các trọng tội bao gồm sát hại một người đàn ông sau cuộc ẩu đả tại vũ trường. Cả hai người tuyên bố mình vô tội.
Trong một đoạn băng được quay vào năm 2010, hai người kể về những đòn tra tấn và cực hình họ phải trải qua trong quá trình giam giữ. Luật sư của Gong, Li Zhuang, chứng nhận thân chủ của mình bị thương trong quá trình ngồi tù.
Tuy nhiên, sau đó Li Zhuang bị bắt giữ và 18 ngày sau bị kết án khai man. Li cho biết đã viết đơn nhận tội nhưng là vì bị buộc phải nhận tội. Sự việc của Li gây lo sợ cho các luật sư khác muốn tham gia vào các vụ án chống "đả hắc".
He Weifang, giáo sư Luật của trường đại học Bắc Kinh, nói vụ án trên đã đưa nền tư pháp Trung Quốc "lùi lại 30 năm".
Một người khác là Li Jun, doanh nhân giàu có trong lĩnh vực bất động sản ở Trùng Khánh, cho biết ông trở thành mục tiêu của cảnh sát, quan chức quân đội, họ gán cho ông danh xưng "ông trùm xã hội đen". Cuối cùng, ông phải từ bỏ doanh nghiệp trị giá 711 triệu USD và rời khỏi đất nước như một kẻ chạy trốn. Li Jun còn cho hay, trước khi thoát thân, ông phải chịu đựng ba tháng tra tấn, đánh đập và gây sức ép để nhận một tội mà ông cho là mình không hề liên quan.
Li nói những người này muốn chiếm tài sản của ông và muốn dùng ông làm bia đỡ đạn, gỡ tội cho đồng minh của ông Bạc là một tướng trong quân đội.
Li Jun vướng vào vòng lao lý một năm sau khi ông Bạc nhậm chức. Công ty con của Li trúng một gói thầu xây dựng con đường ven núi ở ngoại ô Trùng Khánh, trị giá 50 triệu USD. Tháng 12/2009, dưới lệnh bắt giữ của giám đốc công an Vương Lập Quân, Li Jun bị cáo buộc hàng chục tội danh gồm mại dâm có tổ chức, cho vay nặng lãi, gian lận hợp đồng, gian lận thầu và hối lộ. Ông cho biết phải chịu sự tra tấn dã man như dưới thời trung cổ trong suốt 40 giờ. “Lúc đó, tôi chỉ muốn chết”, Li nói.
Li Jun nói ông từ chối nhận tội, cuối cùng, tháng 3/2010, ông được thả sau khi chi 6,1 triệu USD để "chạy án". Nhưng với chiến dịch triệt phá mại dâm nhằm vào câu lạc bộ của Li, ông nhận được lời nhắn sẽ bị bắt lại nên đã trốn khỏi đất nước.
31 người thân và đồng nghiệp của Li bị bắt. Vợ Li bị thẩm vấn suốt một năm về tung tích của Li. Anh trai Li bị tuyên phạt 18 năm tù, cháu trai 13 năm. Li giao lại công ty cho chính quyền như một nỗ lực để cứu công ty.
“Đây như là một cuộc cách mạng văn hóa kiểu mới. Họ tiêu diệt những địa chủ, phân phối lại tài sản và chỉ đơn giản gạch một cái tên làm mình ngứa mắt”, Li bình luận.
Vũ Hà (Theo NYT)