Cựu thủ tướng Anh Margaret Thatcher. Ảnh: AP |
Ẩn sau bề ngoài với mái tóc xù, túi xách sang trọng và giọng nói hào sảng, là một thành viên đảng Bảo thủ không khoan nhượng, người có thể hạ gục các đồng nghiệp nam và các đối thủ bằng giọng nói đanh thép cùng tư duy chính trị sắc bén.
Phe cánh hữu ca ngợi bà đã đưa nước Anh thoát khỏi tình trạng kinh tế trì trệ, trong khi phe cánh tả chỉ trích bà hủy hoại nền công nghiệp truyền thống, cho rằng sự cải cách của bà phá hoại cơ cấu của xã hội.
Trên vũ đài thế giới, bà đã xây dựng "mối quan hệ đặc biệt" và gần gũi với Mỹ, thời tổng thống Ronald Reagan. Bà cũng phản đối kịch liệt việc quá gần gũi với châu Âu.
Tuy nhiên, trong những năm cuối đời, bà Thatcher, người trú tại địa chỉ số 10 Phố Downing lâu nhất trong số các thủ tướng Anh, từ 1979 đến 1990, lại khá yếu ớt. Bà bị nhiều cơn đột quỵ nhẹ và được bác sĩ khuyên nên xa rời đời sống chính trị từ năm 2002 vì chứng mất trí nhớ. Sau đó, bà rất hiếm khi xuất hiện trước công chúng.
Trong bộ phim "Người đàn bà Thép" của Hollywood công chiếu tháng 12/2011, nữ diễn viên Meryl Streep đã xuất sắc hóa thân vào vai Thatcher, trong giai đoạn cựu thủ tướng Anh lên nắm quyền cho đến khi trở bệnh lúc về già.
Cựu thủ tướng Anh Thatcher, có tên khai sinh Margaret Hilda Roberts khi chào đời ngày 13/10/1925 tại thành phố Grantham, miền đông nước Anh, và là con gái của một người bán tạp hóa.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông và nhận bằng tốt nghiệp chuyên ngành hóa học tại đại học Oxford, bà cưới doanh nhân Denis Thatcher vào năm 1951 và hai năm sau sinh đôi hai người con Carol và Mark.
Bà được bầu vào Hạ viện Anh lần đầu tiên năm 1959 và kế nhiệm thủ tướng Edward Heath trở thành lãnh đạo của đảng Bảo thủ vào năm 1975 trước khi trở thành thủ tướng 4 năm sau đó.
Di sản lớn nhất của cuộc đời bà có thể được tóm gọn thành "chủ nghĩa Thatcher", học thuyết mà những người ủng hộ ca ngợi là thúc đẩy tự do cá nhân và phá vỡ sự phân chia giai tầng trong xã hội Anh hàng thế kỷ qua. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh các chính sách cũng khiến chính quyền của bà có những lúc rơi vào tình cảnh khó khăn.
Khi Argentina tiến vào lãnh thổ thuộc địa của Anh, quần đảo Falkland/Malvinas, vào năm 1982, bà Thatcher đã điều quân đội và các tàu chiến đến và giành thắng lợi sau hai tháng. Hai năm sau, một binh sĩ Quân đội Cộng hòa Ireland đặt bom tại khách sạn của bà ở thành phố miền nam Brighton, khi bà đang tham dự hội nghị thường niên của đảng Bảo thủ, khiến bà và nhiều thành viên nội các suýt thiệt mạng.
Chính phủ của bà Thatcher cũng từng gặp phải sóng gió trong giai đoạn 1984-1985, khi các thợ mỏ tranh đấu và tiến hành đình công chống lại lệnh đóng cửa hầm. Sau đó, quyền hạn của công đoàn bị hạn chế.
Phong cách cứng rắn, không bao giờ thỏa hiệp, ban đầu khiến bà được giành được sự kính trọng nhưng cuối cùng lại làm ảnh hưởng đến danh tiếng của bà.
Một trong những đồng minh thân cận nhất của bà, Geoffrey Howe, từ chức năm 1990 với bài phát biểu trong đó đổ lỗi cho chính sách xa lánh với châu Âu của "bà đầm thép".
Bà phải đối mặt với sự hoài nghi về khả năng lãnh đạo, và sau đó phải rút lui vì không nhận được tỷ lệ ủng hộ như mong muốn. Bà bị thay thế bởi bộ trưởng tài chính khi đó, ông John Major.
Sau khi rời khỏi nhà công vụ ở Phố Downing trong sự tiếc nuối, cựu thủ tướng Anh được phong tước hiệu Nam tước Thatcher của vùng Kesteven. Thời gian sau đó, bà xuất bản cuốn hồi ký và các các bài nói chuyện trên khắp thế giới.
Sự xuất hiện trước công chúng của bà Thatcher ngày càng thưa thớt trong những năm gần đây bởi tình hình sức khỏe xấu đi. Thậm chí bà còn không thể tham dự bữa tiệc sinh nhật lần thứ 85 được tổ chức ở Phố Downing.
Tuy nhiên, bà Thatcher đã đợi được đến lúc một thành viên khác của đảng Bảo thủ, ông David Cameron, trở lại làm thủ tướng Anh, sau 13 năm.
"Chúng ta đã mất đi một nhà lãnh đạo xuất sắc, một thủ tướng và một người Anh vĩ đại", ông Cameron nói sau khi biết tin bà qua đời.
Vũ Hà (theo AFP)