Cử tri Nga sẽ đi bỏ phiếu bầu tổng thống vào ngày 18/3. Cuộc đua năm nay có sự tham gia của 8 ứng viên, ông Vladimir Putin dự kiến chiến thắng nhiệm kỳ tổng thống thứ tư với 69% số phiếu bầu, theo kết quả khảo sát VCIOM - Sputnik công bố ngày 12/3.
Chiến dịch tranh cử của Putin được đánh giá là khá yên ắng. Putin chỉ xác nhận việc tái tranh cử chưa đầy hai tuần trước khi bắt đầu chiến dịch chính thức vào ngày 18/12. Ông tổ chức sự kiện vận động cuối cùng vào ngày 14/3 tại Sevastopol, thành phố lớn nhất của Crimea, nơi ông tham dự lễ kỷ niệm 4 năm Nga sáp nhập bán đảo này và kiểm tra cây cầu được xây dựng để nối Crimea với đất liền Nga.
Ngoài chuyến thăm Crimea, sự kiện lớn duy nhất trong chiến dịch vận động tranh cử của Putin được tổ chức tại sân vận động Luzhniki, nơi sẽ diễn ra trận đấu khai mạc và bế mạc kỳ World Cup sắp tới, theo Aljazeera.
"Putin không thích đi vận động. Ông ấy có vẻ nghĩ rằng 'tôi không cần chiến dịch, tôi đang làm việc. Tôi không cần quảng bá bản thân, chỉ cần nhìn vào kết quả công việc của tôi'", nhà phân tích chính trị Abbas Gallyamov nói.
"Đây là một chiến dịch kỳ lạ vì Putin cho rằng đi vận động sẽ khiến ông bị xao nhãng khỏi nhiệm vụ thực sự là điều hành đất nước", nhà phân tích chính trị độc lập Tatiana Stanovaya nhận xét.
Gallyamov cho rằng một lý do khác là Putin đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong nước, đặc biệt là nền kinh tế trì trệ và nạn tham nhũng mà chưa có cách giải quyết. Vì vậy, ông không muốn cử tri có kỳ vọng quá cao. "Putin muốn giành chiến thắng một cách an toàn, ông ấy muốn mọi người suy nghĩ tích cực nhưng ông ấy không muốn họ trông đợi quá nhiều", Gallyamov nói.
Do đó, Putin tập trung nhiều hơn vào quan hệ với phương Tây, sức mạnh quân sự và nhấn mạnh những chiến thắng ở nước ngoài, đặc biệt là việc sáp nhập Crimea, hơn là vấn đề trong nước khi tranh cử, Gallyamov nói thêm.
Giống như các cuộc bầu cử trước đó, ông Putin đã quyết định không tham gia các cuộc tranh luận trên truyền hình quốc gia, diễn ra từ ngày 27/2 đến 15/3. "Được phát sóng vào sáng sớm hoặc tối muộn, những cuộc tranh luận này thu hút dư luận chỉ vì những màn cãi vã", Stepan Goncharov, nhà xã hội học tại trung tâm nghiên cứu độc lập Levada, nhận xét.
Trong cuộc tranh luận tuần trước, Ksenia Sobchak, nữ ứng viên đảng Sáng kiến Dân sự, đã hắt nước vào người ứng viên theo chủ nghĩa dân tộc Vladimir Zhirinovsky vì ông này dùng từ tục tĩu để lăng mạ cô.
"Những cuộc tranh luận này không đem lại bất kỳ thông điệp chính trị giá trị nào. Nó giống như một rạp xiếc, mọi người không coi chúng là tranh luận chính trị nghiêm túc", Goncharov bình luận.
Tuy không thực hiện nhiều nỗ lực vận động, hình ảnh mạnh mẽ của Putin vẫn được thể hiện rõ. Điện Kremlin đã dời ngày Tổng thống đọc thông điệp liên bang từ tháng 12 sang ngày 1/3. Qua bài phát biểu, ông nhấn mạnh mình là người bảo vệ Nga trước các quốc gia phương Tây bằng cách công bố một loạt siêu vũ khí mới "bất khả chiến bại".
Tại một nhà máy ở Nizhny Novgorod, công nhân Yelena Tyurina cho biết cô muốn bầu cho một người khác chứ không phải ông Putin nhưng vẫn chưa thấy người nào phù hợp. Cô có thể cân nhắc bỏ phiếu cho nữ ứng viên Ksenia Sobchak vì muốn ủng hộ vai trò của phụ nữ trong chính trị.
Trong khi đó, Alexander Kutyaev, 49 tuổi, người đã làm việc ở nhà máy trong 20 năm, ủng hộ ông Putin. Ông kể rằng vào những năm 1990, ông phải ăn khoai tây mốc vì nhà máy ngừng trả lương. "Tôi không thấy ai có thể thay thế ông Putin", Kutyaev nói, "Tôi nghĩ hầu hết mọi người sẽ bỏ phiếu cho ông. Đất nước này ổn định dưới sự cầm quyền của ông. Tôi không muốn trở lại những năm 1990".
Phương Vũ