Trong 6 tháng đầu năm, phim Việt chỉ tập trung vào hai "mùa vàng" là dịp Tết nguyên đán và tháng 4. Ngoài Cô dâu đại chiến thu về gần 40 tỷ đồng và Bi đừng sợ gây sức hút mạnh mẽ tới dư luận, thì các bộ phim còn lại đều bị đánh giá thấp về chất lượng và thất bại nặng nề về mặt doanh thu. Saigon Yo!, Những bức thư từ Sơn Mỹ, Thiên sứ 99 hay cả phim 3D Bóng ma học đường đều không đạt được kết quả khả quan. Thậm chí, Lệnh xóa sổ, với kịch bản lỏng lẻo, vô lý còn bị coi là "thảm họa phim Việt" và phải hứng chịu vô số lời chỉ trích từ dư luận.
Tuy nhiên, nửa cuối năm nay, phim Việt hứa hẹn sẽ có nhiều đột phá lớn với sự xuất hiện của nhiều tên tuổi mới. Nếu như năm ngoái chỉ có khoảng 7 phim ra rạp "trái mùa" thì từ nay đến cuối năm, mỗi tháng sẽ có ít nhất một tác phẩm mới của điện ảnh Việt Nam được giới thiệu đến công chúng. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động sôi nổi của giới làm phim độc lập như tiệc phim trực tuyến Yxine hay cuộc thi Làm phim 48 giờ lần đầu diễn ra tại Hà Nội cũng góp phần tạo nên bộ mặt muôn màu cho phim Việt trong 6 tháng cuối năm.
Lịch chiếu dự kiến của những phim Việt trong 6 tháng cuối năm nay 1. Giữa hai thế giới - 15/7 (xem trailer) |
Phim kinh dị bùng nổ
Dường như khi phim hài và phim tình cảm, hai thể loại "sở trường" của phim Việt đã trở nên quen thuộc và gây nhàm chán cho khán giả, các đạo diễn bắt đầu chuyển hướng sang khai thác những dòng phim mới. Phim kinh dị gây cảm giác rùng rợn, bí ẩn là những thử nghiệm của điện ảnh Việt Nam trong năm nay. Thực ra, phim kinh dị Việt đã xuất hiện từ vài thập kỷ trước với nhiều tác phẩm nổi tiếng như Con ma nhà họ Hứa, Xác chết trên cao nguyên hay Giỡn mặt tử thần. Nhưng đến năm nay, thể loại này mới thực sự được hồi sinh.
Ngày 15/7, Giữa hai thế giới với sự tham gia của Dustin Nguyễn, Đinh Ngọc Diệp và hot girl Tâm Tít sẽ ra mắt khán giả trong cả nước. Khai thác môtip ngôi nhà ma - hồn ma chết oan khá quen thuộc trong phim kinh dị Mỹ, nhưng phim gây chú ý khi được thực hiện trong thời gian ngắn kỷ lục (bắt đầu quay từ tháng 4) và chỉ có 6 diễn viên. Sức hút từ Giữa hai thế giới còn thể hiện ở những cảnh nóng giữa Ngọc Diệp và Dustin Nguyễn, được hé lộ chút ít trong trailer ra mắt vào cuối tháng 6. Đây là phim điện ảnh thứ hai của đạo diễn trẻ Vũ Thái Hòa, sau Sống chậm vào năm 2003.
4 bộ phim kinh dị Việt ra rạp trong 6 tháng cuối năm nay. |
Cuối tháng 11 là thời điểm công chiếu Cột mốc 23, một phim kinh dị tâm lý kể về cuộc sống của một cô gái trẻ mắc bệnh u não khi phiêu dạt tới một thị trấn hẻo lánh. Mang hơi hướng dòng phim liêu trai, đạo diễn Nguyễn Quốc Duy tiết lộ Cột mốc 23 sẽ không chỉ có kinh dị mà còn cả tình cảm.
Dịp Giáng sinh, bộ phim hành động, phiêu lưu có yếu tố kinh dị - Bẫy cấp 3 - sẽ ra mắt. Phim do đạo diễn Việt kiều Lê Văn Kiệt thực hiện và hãng phim Crea TV sản xuất. Lấy bối cảnh tại Đà Lạt, phim kể về chuyến du lịch kinh hoàng của một nhóm thanh niên trẻ khi từng người bị thanh toán. Nội dung của Bẫy cấp 3 cho thấy bộ phim này sẽ mang phong cách slasher (dòng phim kinh dị sát nhân của Mỹ).
Lời nguyền huyết ngải của Bùi Thạc Chuyên, cái tên được mong đợi nhất trong 4 bộ phim kinh dị Việt chiếu rạp nửa cuối năm nay, cũng sẽ công chiếu vào mùa Giáng sinh. Khai thác nỗi sợ hãi ám ảnh từ vô thức, và gợi lên về những bí mật cổ xưa, vẫn còn tồn tại và được lưu truyền trong cuộc sống hàng ngày, phim kinh dị đầu tay của đạo diễn Chơi vơi gây sự chú ý và tò mò của dư luận từ lúc tuyển chọn diễn viên vào năm ngoái.
"Chất" rùng rợn, gây hồi hộp cho người xem của Bùi Thạc Chuyên từng được thể hiện qua phim ngắn Cuốc xe đêm và phim nhựa Sống trong sợ hãi. Chính vì vậy, khán giả hoàn toàn có thể hy vọng vào một bộ phim kinh dị đúng nghĩa của điện ảnh Việt Nam, chứ không phải kinh dị "nửa vời" như Khi yêu đừng quay đầu lại hay Bóng ma học đường.
Sự trở lại của những tên tuổi lớn
Phạm Nhuệ Giang, Charlie Nguyễn và Vũ Ngọc Đãng là ba đạo diễn lớn sẽ trở lại trong mùa thu năm nay.
Sau Thung lũng hoang vắng từ năm 2001, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang mất tới 10 năm ấp ủ và chuẩn bị cho bộ phim điện ảnh mới Tâm hồn mẹ, được dựa trên truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Phim là câu chuyện về số phận long đong chìm nổi của những người dân nhỏ bé sống ở ven sông Hồng. Truyện ngắn chỉ xoay quanh mối quan hệ giữa hai đứa trẻ - một cậu bé tìm thấy ở cô bạn cùng lớp sự bao bọc, chở che như tình mẫu tử. Nhưng khi chuyển thể, Phạm Nhuệ Giang đã phát triển tuyến nhân vật người mẹ của cô bé, một người đàn bà không làm tròn bổn phận và luôn khao khát chạy đi tìm tình yêu, để lại đứa con với "tâm hồn mẹ" cứ lớn dần lên.
Hồng Ánh đóng vai người phụ nữ bán hoa quả dạo trong 'Tâm hồn mẹ' của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang. |
Hồng Ánh tiếp tục tham gia tác phẩm mới của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang. Trong phim, cô sẽ có khá nhiều cảnh quay nồng nhiệt với nam diễn viên Trương Minh Quốc Thái. Tâm hồn mẹ đang hoàn thành nốt những khâu cuối cùng của phần hậu kỳ để ra rạp trong tháng 9 này.
Thái Hòa và Phi Thanh Vân trong 'Long Ruồi'. |
Dịp 2/9 năm nay, Long Ruồi của đạo diễn Charlie Nguyễn nhiều khả năng sẽ là điểm nóng tại các rạp chiếu. Thành công của Để Mai tính vào tháng 4 năm ngoái đã làm nên "thương hiệu" cho Thái Hòa. Hai vai Tèo và Long Ruồi trong bộ phim này được "đo ni đóng giầy" cho "chị Hội", với êkíp sản xuất quen thuộc của Để Mai tính. Long Ruồi tiếp tục khai thác những yếu tố làm thỏa mãn khán giả yêu thích phim giải trí như câu chuyện nhẹ nhàng, hài hước, diễn viên thu hút, bối cảnh đẹp, nhạc hay.
Cảnh quay nhạy cảm của Lương Mạnh Hải và Hồ Vĩnh Khoa trong 'Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt'. |
Được đẩy lịch sớm hơn dự kiến, ngày 14/10, bộ phim có cái tên dài kỷ lục - Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt - sẽ được ra rạp. Chọn đề tài giật gân, nóng bỏng - mại dâm đồng tính nam với hai diễn viên chính là Lương Mạnh Hải và Hồ Vĩnh Khoa, bộ phim này của Vũ Ngọc Đãng đã gây tò mò dư luận khi mới là dự án trên giấy. Đạo diễn Bỗng dưng muốn khóc từng tiết lộ rằng anh không muốn gây sốc với Hot boy nổi loạn, mà đơn giản chỉ muốn thay đổi và hy vọng phim sẽ chạm tới trái tim khán giả.
Phim độc lập mở ra trang mới cho điện ảnh trong nước
Một điểm khác biệt của năm nay so với các năm trước là sự xuất hiện của những bộ phim độc lập vào thời điểm "trái mùa" của phim Việt. Dành cho tháng sáu, Touch, Ngọc viễn đông - ba bộ phim khai thác ba đề tài với ba phong cách khác nhau nhưng đều do các đạo diễn trẻ thực hiện.
Một cảnh trong 'Dành cho tháng sáu' của đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Tuấn. |
Dành cho tháng sáu là phim bóng rổ đầu tiên tại Việt Nam với câu chuyện tình bạn tuổi học trò đầy thơ mộng giữa 2 chàng trai và một cô gái, được tô điểm bằng những trận đấu bóng nảy lửa, đẹp mắt. Phim do đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Tuấn thực hiện với kinh phí sản xuất lấy từ chính túi tiền của anh. Bộ ba diễn viên chính trong phim đều là những gương mặt trẻ - Huỳnh Anh, Thiên Tú và Đỗ Quốc Trung. Thiên Tú là người thủ vai bé Ngô trong Áo lụa Hà Đông của đạo diễn Lưu Huỳnh vào năm 2006. Kết hợp giữa hai yếu tố thể thao và tuổi trẻ, Dành cho tháng sáu dự kiến ra rạp trong tháng 10 và hứa hẹn sẽ châm ngòi, làm bùng nổ trào lưu làm phim độc lập tại Việt Nam.
Ngô Thanh Vân trong 'Trăng huyết', một trong 6 phim của chùm phim ngắn 'Ngọc viễn đông'. |
Sau nhiều lần trì hoãn từ năm ngoái, Ngọc viễn đông - chùm phim ngắn của đạo diễn Cường Ngô - đã chọn được thời điểm thích hợp để ra mắt là vào khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm nay. Ngọc viễn đông là một phim truyện được hợp nhất từ chùm 6 phim ngắn dựa trên các truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc kể về người phụ nữ Việt thông qua đời sống nội tâm của họ. Trăng huyết, Thức, Thơ, Tặng phẩm, Thuyền, Thực và mộng - sáu câu chuyện riêng biệt thể hiện cho những khát khao, ước vọng, nhiệt huyết, tâm tư tình cảm của cuộc sống. Qua đó, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam với những nét đẹp kín đáo, hiền hòa được tô đậm bằng triết lý, nhân sinh quan và các khía cạnh tâm lý phức tạp ở nhiều góc độ.
Trong tháng 11, khán giả trong nước còn được thưởng thức Touch, bộ phim của đạo diễn gốc Việt Minh Đức Nguyễn, từng giành giải Phim truyện được yêu thích nhất tại Liên hoan phim Quốc tế người Việt lần thứ 5 (VIFF) vào năm ngoái. Touch là câu chuyện bi hài nói về cuộc sống của một cô gái Việt làm nghề sơn móng ở Mỹ với những cảm xúc, diễn biến tâm lý phức tạp. Touch đã gây được tiếng vang tại nhiều LHP quốc tế và theo nhận định của nhà phát hành, đây sẽ là một tác phẩm mang hơi hướng và phong cách của (500) Days of Summer, bộ phim tình cảm độc lập từng được đề cử Quả cầu vàng năm ngoái.
'Touch' của đạo diễn Minh Đức Nguyễn nói về một cô gái Việt làm nghề nail ở Mỹ. |
Trong 4 tháng cuối năm, giới làm phim độc lập tại Việt Nam cũng có cơ hội tham dự nhiều cuộc thi phim ngắn, trong đó nổi bật là Làm phim 48 giờ và Tiệc phim trực tuyến Yxine. Làm phim 48 giờ là một cuộc thi làm phim nổi tiếng thế giới từng tổ chức thành công tại TP HCM năm ngoái, nhưng tháng 9 này là lần đầu tiên tới Hà Nội. Sau khi khởi động tại Hà Nội vào giữa tháng 9, Làm phim 48 giờ sẽ tiếp tục đến với các nhà làm phim trẻ trong TP HCM vào tháng 11. Trong khi đó, tiệc phim trực tuyến Yxine cũng bước sang năm thứ hai với nhiều đổi mới về hình thức, cơ cấu giải thưởng.
Khán giả
Sự thành bại của 10 bộ phim Việt chiếu rạp trong nửa cuối năm nay đều nằm trong tay khán giả. Có thể nói trong vài năm trở lại đây, khán giả Việt Nam đã có nhiều sự quan tâm hơn tới các bộ phim trong nước. Sự chuyển mình của điện ảnh nước nhà cũng đã thể hiện được rõ rệt khi nhiều tác phẩm như Chơi vơi, Đừng đốt, Bi đừng sợ gây được sự chú ý của bạn bè quốc tế. Có những bộ phim như Để Mai tính, Cô dâu đại chiến hay Cánh đồng bất tận có doanh thu ngang ngửa phim Hollywood khi được chiếu tại VN. Khán giả là những người quyết định cho tương lai của điện ảnh Việt Nam, nhưng chính các nhà làm phim cần phải nỗ lực hết mình để đáp lại kỳ vọng của khán giả.
Nguyên Minh