40 năm trôi qua, với William đó là những năm tháng sống trong nỗi ám ảnh và dằn vặt, và ông đã quyết định đứng ra và công khai xin lỗi “Không một ngày nào trôi qua, mà tôi không cảm thấy hối hận vì những gì đã xảy ra tại Mỹ Lai…”. Cuộc hành trình của William đã được đạo diễn, NSƯT Lê Dân cụ thể hóa thành Những bức thư từ Sơn Mỹ. Bộ phim được khởi quay từ ngày 21/1/2010. Trong phim, nhân vật trung úy được đổi tên thành Peter Cage do Gerrard Saub, quốc tịch Pháp đang sống và làm việc tại Việt Nam, đảm nhận.
Một cảnh trong phim Những bức thư từ Sơn Mỹ. |
Bộ phim lấy cấu trúc từ những bức thư của viên cựu sĩ quan Mỹ đều đặn gửi từ Việt Nam về Mỹ kể lại với vợ những ấn tượng, tình huống xảy ra với ông khi trở lại Sơn Mỹ. Đó là chặng đường gian nan khi tìm và đối diện với các hồi ức đầy ám ảnh của Peter Cage. Một lần nữa trước Sơn Mỹ và những con người đã gánh chịu nỗi đau năm xưa, ông trở về nói lời xin lỗi, mong nhận được sự tha thứ.
Trong vai một người khách du lịch, Peter Cage tiếp xúc với những nhân chứng sống trong cuộc thảm sát hơn 40 năm trước. Tại đây, ông đã gặp Hạnh (vai diễn của Giáng My), cô gái Việt Nam bị cụt một ngón tay và có vết sẹo lớn trên bàn tay - vết tích chiến tranh ngày xưa, vốn là một giảng viên dạy piano tại Nhạc viện TP HCM; cậu bé Trần Văn Lạc bị cụt tay, cụt chân do ảnh hưởng chất độc da cam đã vẽ tặng ông bức tranh hòa bình hay cô bé Hải sống sót sau vụ thảm sát năm xưa nay điên loạn đã tặng ông một củ khoai mới đào...
Hoa hậu Đền Hùng Giáng My đảm nhận vai Hạnh, bên cạnh diễn viên Huỳnh Anh Tuấn. |
Trong Những bức thư từ Sơn Mỹ, một lần nữa các tình tiết của vụ thảm sát trong quá khứ được dàn dựng lại, khốc liệt và tang thương. Tuy nhiên, xen lẫn với hiện tại là hình ảnh sám hối của trung úy Peter Cage trước ánh nhìn từ bi của đức Phật. Điều này đã tạo cho người xem nhiều cảm xúc sâu sắc. Cũng chính nơi mảnh đất này, Peter Cage nhìn thấy sức sống mãnh liệt của một Sơn Mỹ hiện tại. Bất hạnh và khó khăn dường như không đủ sức ngăn cản con người ở đây ngừng yêu thương và hy vọng.
Trong suốt thời gian Peter ở tại Sơn Mỹ, Hạnh đã giúp ông gắn kết với người dân. Cùng lúc đó, với sự hối lỗi chân thành của mình, Peter đã âm thầm gửi bức tranh của cậu bé Lạc tham gia cuộc thi vẽ tranh quốc tế thiếu nhi và đoạt được giải thưởng lớn; cứu một người đàn bà điên thoát khỏi đám cháy mặc dù người này nhiều lần định giết ông; giúp người dân Sơn Mỹ dọn dẹp sửa chữa lại nhà cửa sau cơn bão lớn… Ngoài ra, ông cũng đã giúp Hạnh hàn gắn mối tình với Long. Trước đó, vì mặc cảm không thể sinh con do ảnh hưởng của chất độc da cam, cô đã đè nén nỗi đau chia tay với Long.
Poster phim. |
Từ một nơi đổ nát, chứa đựng đầy sự oán than và mất mát, mảnh đất Sơn Mỹ vẫn mang trong nó những hạt mầm của sự hồi sinh cả về niềm tin và lòng vị tha. Tấm lòng vị tha cao cả của người dân nơi đây dành cho Peter Cage đã đem lại cho người xem những suy nghĩ sâu sắc về lòng từ bi, niềm tin về sự phục thiện trong mỗi con người. Bộ phim khép lại với một kết thúc đẹp, đầy tính nhân văn.
Với thời lượng dài 95 phút và kinh phí khoảng 8 tỷ đồng, Những bức thư từ Sơn Mỹ do Trung tâm UNESCO điện ảnh truyền thông Việt Nam sản xuất đã được chọn để dự Liên hoan phim quốc tế Cannes tại Pháp năm ngoái. Bộ phim được công chiếu tại hệ thống rạp Mega Star TP HCM và Hà Nội bắt đầu từ ngày 15/4, cùng với những cụm rạp khác.
(Nguồn: Trung tâm UNESCO điện ảnh truyền thông Việt Nam)