Phim tả thực về đời sống người Việt Nam trước và sau năm 1954 ở miền Bắc và miền Trung. Xoay quanh số phận của người nghèo, là làn sóng di cư, những cơn đói, cơn lũ triền miên và nỗi chờ mong mơ hồ đến hai chữ "hòa bình". Nỗi đau, mất mát trong chiến tranh không đơn thuần là cái chết, mà là cảnh con người phải sống trong sự ám ảnh tiếng bom đạn, sự hà khắc của xã hội.
Một cảnh trong phim. Ảnh: P.S. |
Hướng đến lời giải đáp cho số phận của nhiều nhân vật, nhưng dường như phim lại là câu hỏi lớn về sự chịu thương, chịu khó của người phụ nữ. Chuyện phụ nữ "chân lấm tay bùn" nào chỉ có xúc hến bến sông từ sáng sớm đến tối mịt, đi bán dạo ở chợ quê, con đau, con khát sữa, chồng buồn, chồng giận, đó còn là cái "cúi đầu" trong xã hội mà cái nghèo bị "người gần" khinh khi, "kẻ xa" áp bức. Vòng quây cuộc đời Dần, nhân vật chính của phim, như cảnh cô ngồi đầu thuyền, lao đi trong cơn nước xoáy, mưa bão dữ dội.
Dần chính là thể hiện của mẫu hình phụ nữ cần lao, trong cảnh khốn khó vẫn sống cho những niềm tin, tình yêu lớn. Trái cau xanh được trao trong ngày hẹn ước với mối tình đầu cũng như số phận của cô, nó nảy mầm, lớn lên, thẳng đứng, hiên ngang giữa trời, dù có lúc cũng chịu vài nhát chém đau đớn, vài trận bom thời loạn lạc. Cuộc đời của nhân vật nữ bị vùi dập từ thân phận con sen, đến lưu lạc xứ người, rồi đói khổ trong chiến tranh... vẫn gồng mình lao về phía trước, đấu tranh. Đến thế hệ của 2 bé gái, con của cô, chính là sự tiếp nối cuộc đời của mẹ, của những người phụ nữ trong phim. Bi thương hơn, 2 bé gái chỉ có một chiếc áo thay phiên nhau mặc đến trường, rồi một trong 2 bị bom dội chết khi đang đọc bài văn về chiếc áo dài thiêng liêng của cả gia đình.
Trương Ngọc Ánh trong vai Dần. Ảnh: P.S. |
Chiếc áo ấy chính là câu trả lời đầy hình tượng cho sự gồng gánh, hy sinh của những người phụ nữ trong phim. Áo dài lụa mang vẻ ngoài mỏng manh, cũng chính là lời nhắc nhở định mệnh với những ai mặc nó, phải giữ vẻ đoan trang, trong sạch dù trong hoàn cảnh nào. Nó thiêng liêng ngay từ phút chào đời của anh chồng gù, đẹp lung linh trong ngày hẹn ước của Dần, vẹn nguyên qua trường kỳ gian khổ và là nguồn sáng le lói cho hạnh phúc của gia đình bé nhỏ cái ăn còn thiếu hụt.
Cùng một chiếc áo lụa, với cha là vật cưu mang, với mẹ là kỷ niệm tình yêu đầu đời, với con là niềm hạnh phúc được cắp sách tới trường. Chiếc áo của mẹ được cắt nhỏ, nối với tay áo của cha thành áo mới cho con đến trường, hình ảnh vừa đẹp, vừa ấm áp, lung linh. Giữa màu xám xịt của những ngày chiến tranh, chiếc áo trắng tinh khôi ấy lại chính là ánh sáng, biểu tượng của niềm tin hòa bình mà con người mỏi mắt chờ.
Poster của phim. |
Kịch bản Áo lụa Hà Đông được viết khá chặt chẽ, xuyên suốt, thể hiện qua những khung hình khá tinh tế, đẹp mắt về nông thôn Việt Nam. Có những cảnh quay của phim khá công phu, phải ngốn đến 30.000 USD, như những cảnh diễn ra tại núi Hang Múa gần Tam Cốc - Bích Động, Ninh Bình. Dàn diễn viên của phim có lúc được quy tụ đến 500 người.
Âm nhạc của tác phẩm này được Đức Trí soạn công phu, tinh tế cho từng trường đoạn của phim và cuộc đời nhân vật. Diễn xuất của Trương Ngọc Ánh và dàn diễn viên nhí là một thành công đáng kể. Phim khởi chiếu từ ngày 8/3 tại các rạp trên toàn quốc.
Đỗ Duy