Quyết định này vừa được hãng xếp hạng tín nhiệm Mỹ công bố chiều 9/7. Theo đó, Moody’s đã kết thúc quá trình xem xét hạ bâc đối với SHB, kéo dài từ ngày 11/5, bằng việc giữ nguyên xếp hạng B2 (đối với cả các khoản vay và cho vay) cũng như triển vọng tiêu cực. Mức độ ổn định tài chính của ngân hàng cũng được giữ ở mức E+, tương đương với xếp hạng nợ dài hạn tương tự ngưỡng b2.
Moody's cho rằng cần nhiều thời gian hơn để đánh giá hiệu quả vụ sáp nhập SHB - Habubank. Ảnh: Hoàng Hà |
Theo lý giải của Moody’s, quyết định được hãng đưa ra chủ yếu xuất phát từ những chuyển biến trong vụ sáp nhập Ngân hàng Phát triển nhà Hà Nội (Habubank) vào SHB. Theo cơ quan xếp hạng, ngân hàng sau khi sáp nhập sẽ có điều kiện tốt hơn để giải quyết khoản nợ xấu tại Vinashin, vốn đe dọa sự tồn tại của Habubank trước đó. Chi phí bỏ ra để sáp nhập cũng sẽ được bù đắp phần nào thông qua việc hoán đổi cổ phần. Ngoài ra, tình hình tài chính của thực thể mới cũng có nhiều dấu hiệu được cải thiện.
Tuy vậy, Moody’s cũng cho rằng hiện còn quá sớm để công nhận thành công của vụ sáp nhập và hãng này cần khoảng 12 – 18 tháng để tiếp tục theo dõi, bởi thực trạng tài chính của cả 2 ngân hàng trước sáp nhập đều không quá “khỏe mạnh”. Tại thời điểm đó, nợ xấu của SHB là 2,2% (tính đến hết năm 2011). Trong khi của Habubank là 4,4%. Tuy nhiên, nếu tính cả các khoản vay cho Vinashin thì nợ xấu của Ngân hàng Phát triển nhà Hà Nội có thể lên tới 16,7%.
Do triển vọng bị hạ ở mức tiêu cực, khả năng SHB được Moody’s sớm nâng hạng khó xảy ra. Tuy nhiên, triển vọng đối với ngân hàng này có thể trở lại mức ổn định nếu tình hình tài chính ổn định hơn, đặc biệt lệ cho vay so với tổng huy động giảm xuống dưới 90% hoặc các kết quả kinh doanh khác được cải thiện. Ngược lại, nếu tỷ lệ cho vay nêu trên vượt ngưỡng 120%, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng sáp nhập vượt ngưỡng 5% hoặc hiệu quả kinh doanh không đảm bảo, SHB sẽ đứng trước khả năng bị Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm.
Trước Moody's, hồi đầu tháng 6, một hãng xếp hạng tín nhiệm khác là S&P cũng tỏ ra lạc quan hơn đối với tình hình kinh tế và các ngân hàng Việt Nam. Theo đó, triển vọng xếp hạng quốc gia và 2 ngân hàng lớn là Vietinbank và BIDV cũng được S&P đưa từ mức "tiêu cực" lên "ổn định".
Nhật Minh