Xếp hạng của BB-/-- của Vinacomin được Standard & Poor's giữ từ tháng 5/2010 đến nay. Tuy nhiên, khác với đánh giá “ổn định” trong những lần công bố trước, triển vọng xếp hạng lần này được Standard & Poor's đưa xuống mức “tiêu cực” (BB-/Negative/--). Trước đó, vào cuối tháng 4, một hãng đánh giá tín nhiệm khác là Moody's cũng có động thái tương tự đối với xếp hạng của Vinacomin.
Theo giải thích của Standard & Poor's, mức đánh giá này cho thấy những lo ngại về nhu cầu sử dụng vốn của Vinacomin trong vòng 12 - 18 tháng tới, trong khi cơ cấu khách hàng, chi phí sản xuất cũng như khuôn khổ chính sách không thực sự có lợi cho hoạt động của tập đoàn.
Standard & Poor's cho rằng giá bán than nội địa thấp đang khiến lợi nhuận của Vincomin giảm mạnh. Ảnh: Hoàng Hà |
Theo dự báo của Standard & Poor's, biên lợi nhuận trong năm 2012 - 2013 của Vinacomin nhiều khả năng sẽ thấp hơn con số 22% của năm 2011. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là Vinacomin phải dành một tỷ lệ lớn trong tổng sản lượng than khai thác được cho Tập đoàn Điện lực (EVN), với giá bán thấp hơn giá xuất khẩu. Điều này sẽ làm giảm giá bán than trung bình của tập đoàn và khiến lợi nhuận ròng trên mỗi tấn than giảm từ mức 28-30 USD năm 2011, xuống còn khoảng 22-25 USD trong năm 2012.
Trong khi nguồn thu có dấu hiệu sụt giảm thì trong vòng 3 năm tới, Vincomin lại dự kiến đầu tư khoảng 1,3 - 1,6 tỷ USD mỗi năm. Mâu thuẫn này, theo Standard & Poor's, sẽ khiến tỷ lệ nợ so với thu nhập trước thuế của tập đoàn tăng lên mức 3,5 lần, so với mức 2,9 lần vào cuối năm 2011.
Cũng theo hãng xếp hạng tín nhiệm Mỹ, bản thân tình hình hình tài chính ở thời điểm hiện tại của Vinacomin cũng không thật sự “cân đối”. Tính tới 31/12 năm ngoái, tổng tiền mặt trên bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp là 7.400 tỷ đồng, trong khi tổng nợ ngắn hạn phải trả là 8.170 tỷ. Tuy vậy, do là một doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước nên khả năng huy động vốn từ ngân hàng của Vinacomin cũng được Standard & Poor's đánh giá là tương đối tốt. “Trong năm 2011, các nhà băng đã tài trợ khoảng 17.000 tỷ đồng cho các dự án của tập đoàn”, hãng này dẫn chứng.
Ngoài ra, lợi thế của Vinacomin còn được đánh giá ở vai trò chi phối lớn trên thị trường than - khoáng sản tại Việt Nam cũng như trong khu vực, chi phí sản xuất hiện còn ở mức thấp cũng như nhu cầu sản phẩm được đánh giá là khả quan trong thời gian tới. Standard & Poor's do vậy cho biết có thể xem xét phục hồi triển vọng ổn định nếu tập đoàn này có thể cải thiện rõ rệt về tài chính (tăng sản lượng, giảm chi phí, tăng giá bán nội địa…). Các chỉ số này sẽ được xem xét khi tỷ lệ nợ trên thu nhập trước thuế giảm xuống khoảng 3 lần và Vinacomin có thể hán được khoảng 55 triệu tấn than với lợi nhuận trung bình trên 30 USD một tấn.
Ngược lại, xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp có thể bị đe dọa nghiêm trọng nếu các chỉ báo về tín dụng và thanh khoản diễn biến theo chiều hướng xấu. Chẳng hạn như tỷ lệ nợ tăng lên khoảng 4 lần thu nhập, giá bán than nội địa giữ ở mức 50 USD một tân trong khi Vinacomin bán khoảng 32 triệu tấn cho thị trường này. Ngoài ra, đánh giá đối với Vinacomin cũng sẽ bị thay đổi trong trường hợp Standard & Poor's điều chỉnh xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
Thời gian gần đây, các hãng xếp hạng tín nhiệm đều có những đánh giá tương đối lạc quan về kinh tế Việt Nam. Fitch và S&P đồng thời khôi phục triển vọng xếp hạng quốc gia lên mức ổn định thay vì tiêu cực, dù đánh giá còn khác nhau (Fitch là B, trong khi S&P là BB-). Động thái tương tự cũng được S&P đưa ra với 2 ngân hàng lớn là Vietinbank và BIDV.
Tuy nhiên, ở khu vực doanh nghiệp, tình hình vẫn chưa có nhiều cải thiện khi trước Vinacomin, một doanh nghiệp tư nhân là Hoàng Anh Gia Lai cũng bị Fitch cảnh báo xem xét tín nhiệm do những khó khăn tài chính ngắn hạn.
Nhật Minh