Ngoài ra, ông Lê cho biết, lỗ lũy kế phát sinh là 1.829 tỷ đồng, khả năng thanh khoản sau sáp nhập cũng tương đối khó. Nguyên nhân nợ xấu cao chủ yếu phát sinh từ các khoản cho Vinashin vay, ông Lê cho biết.
Còn theo Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển, năm 2012, cổ đông không được nhận cổ tức, nhưng đến năm 2013, ngân hàng sẽ trả ít nhất bằng tiền gửi của ngân hàng.
Ngoài ra, 30% dư nợ và 30% trái phiếu của Vinashin sẽ được tập đoàn này phát hành trái phiếu có bảo lãnh của Chính phủ. Số giấy tờ có giá này sẽ được cầm cố trên thị trường mở (OMO) để tạo nguồn vay giá rẻ cho SHB. Khoản dư nợ còn lại sẽ được cầm cố để vay tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước với lãi suất thấp hơn 3% so với thông thường.
Ông Hiển cho biết, theo thỏa thuận của 2 ngân hàng sau sáp nhập, cổ đông Habubank được 0,75% trên vốn điều lệ của HBB. 0,25% còn lại sẽ bù đắp cho cổ đông của SHB.
Trước đó, hôm 28/4, đề án sáp nhập Habubank và SHB đã được đưa ra trình tại đại hội cổ đông của Habubank. Có 85,21% cổ đông đồng thuận phương án sáp nhập. Theo lãnh đạo Habubank, nguyên nhân chủ yếu khiến ngân hàng này phải sáp nhập là khoản 3.000 tỷ đồng cho Vinashin vay coi như mất vốn, thêm vào đó là tỷ lệ nợ xấu lên tới 16,06%.
Ngân hàng sau khi sáp nhập sẽ có tổng tài sản tương đương quy mô nhóm G12 là hơn 100.000 tỷ đồng, vốn điều lệ gần 9.000 tỷ đồng.
L. Anh