Có lẽ đối với người VN sinh sống ở VN thì cụm từ "Vietnamese style" nghe có vẻ khá lạ lẫm. Tuy nhiên đối với tôi, một du học sinh đã học tập tại Mỹ được 4 năm, thì cụm từ này chẳng có gì lạ lẫm và nó được nghe nhiều nhất từ cộng đồng du học sinh VN.
Tôi đồng ý với tác giả bài viết Đau lòng với 'Vietnamese style' rằng khi người nước ngoài hoặc người VN dùng cụm từ "Vietnamese style" thì họ có ý chế giễu và mỉa mai và dùng phong cách của người VN để ví von một cái gì đó thật buồn cười.
Ví dụ đơn giản và chính xác nhất là khi đi bộ qua đường. Bên Mỹ thường thì khi đi sang đường người đi bộ phải chờ tín hiệu rồi mới qua, nhưng một số người VN cứ "chạy" băng qua đường ngay lúc tín hiệu chưa cho phép. Thế là lúc đó cụm từ "Vietnamese style" được đem ra sử dụng.
Hay ngay cả trong phép lịch sự ăn uống. Đa số người châu Á nói chung và người VN nói riêng, khi ăn họ thường nhai phát ra âm thanh "chóp chép". Đối với văn hóa phương Tây đây là điều bất lịch sự. Nếu bạn nhai chóp chép trong nhà hàng thì người Mỹ sẽ nhìn bạn với ánh mắt lạ lẫm và dĩ nhiên, đó là "Vietnamese hay Asian style".
Tại sao ngay cả người VN lại nói "Vietnamese style" để mỉa mai chính hành động của mình? Đơn giản là tại vì họ biết được cái khoảng cách xa vời giữa 2 nền văn hóa khác nhau.
Cái tôi muốn nói đến ở đây là nếu như đã muốn hòa nhập với các nước phương Tây thì chúng ta phải học theo nền văn hóa của họ. Tôi may mắn vì được học tập ở Mỹ và trải nghiệm nền văn hóa Mỹ. Khi nhìn lại VN của chúng ta, tôi ước rằng tất cả người VN đều có cơ hội một lần đến Mỹ hay ra nước ngoài để học tập theo nền văn hóa của họ và góp phần xây dựng nền văn hóa của chúng ta tốt đẹp hơn.
Xin đừng nghĩ rằng tôi sống ở Mỹ và "đang mất gốc Việt", điều đó hoàn toàn ko đúng. VN còn là một nước nghèo, nếu muốn phát triển chúng ta phải mổ xẻ những điểm hạn chế, và khắc phục.
Hy vọng trong tương lai sẽ không còn cụm từ "Vietnamese style" hoặc người nước ngoài sẽ dùng cụm từ này theo một nghĩa hoàn toàn ngược lại.
Hải Phong
>Đừng quá 'tự sướng' về phẩm chất người Việt