Năm 2012 là một năm đầy khó khăn và thử thách của nền kinh tế thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó. Tiết kiệm là một trong những biện pháp mà toàn thể người dân Việt đang thực hiện để chống lại cơn khủng hoảng.
Người Việt trẻ “tiên phong”
Điện thắp sáng bật suốt ngày, đêm, nước xả tràn trề - đó là hình ảnh không hiếm gặp ở các khu trọ của sinh viên hiện nay. Việc tiết kiệm những thứ như điện và nước là điều khó khăn với các một số người Việt trẻ. Họ nghĩ rằng tiền đã đóng thì phải được dùng cho “xứng đáng” với số tiền đó.
Tôi thấy tại một xóm trọ nhỏ có 7 phòng (toàn là sinh viên) ở Cổ Nhuế - Từ Liêm - Hà Nội, chỉ riêng việc thắp sáng sân phơi chung và nhà vệ sinh (2 bóng tuýp) đã lên tới gần 30 số điện (kWh). Những sinh viên sống tại đây bật đèn nhà vệ sinh 24/24, đi vệ sinh xong không tắt.
Về tiền nước, ai cũng nghĩ chủ thu quá cao nên đối phó bằng cách xả nước vô tội vạ. Giặt quần áo, rửa rau, rửa bát… họ để nước xả tràn ra mà không thèm tắt.
Một sinh viên trường ĐH Mỏ - Địa chất trọ tại đây cho biết: “Một tháng họ thu tận 60.000 đồng /tháng điện thắp sáng và tận 50.000 đồng/tháng tiền nước. Quá cao! Nhưng tìm phòng trọ rất khó nên cắn răng chịu đựng. Vì thế, điện, nước cứ phải dùng thoải mái”.
Tại các trường trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, việc sử dụng điện làm sao cho tiết kiệm cũng không được những “chủ nhân tương lai của đất nước” chú ý. Tại các giảng đường, phòng học, đèn và quạt được bật ngay cả khi đã học xong, không ai tắt điện, tắt quạt khi ra về.
Rất nhiều giáo viên và giảng viên cũng góp phần làm trầm trọng sự lãng phí xã hội, máy chiếu bật cả khi không sửa dụng, đèn phòng nghỉ luôn sáng khi đã vào lớp dạy.
Bệnh lãng phí công cũng là vấn đề nhức nhối tại các cơ quan nhà nước và bệnh viện công. Đây là nơi làm việc của những người có trình độ học vấn cao trong xã hội, nhưng hiện tượng như “nấu cháo” điện thoại của cơ quan, phòng điều hòa ở 16 độ C… vẫn luôn tái diễn.
Hình ảnh nhức nhối tại một số bệnh viện là phòng của bệnh nhân thì nóng bức, ngột ngạt, trong khi đó tại phòng của bác sĩ, y tá thậm chí còn rất lạnh do bật điều hòa hết công suất.
Văn hóa ăn uống cũng biểu hiện ý thức thiếu tiết kiệm của người Việt. Những người nước ngoài đến Việt Nam thắc mắc rằng: “Tại sao họ (người Việt) luôn để lại một chút đồ ăn mà không dùng hết?”. Khi đi ăn buffet cũng vậy, mọi người lấy rất nhiều nhưng lại không ăn hết, nhìn những đĩa thức ăn thừa mà thấy thật xót xa.
Người Việt quan niệm lấy nhiều hay lấy ít thì cũng chỉ phải trả một số tiền như nhau, thế nên họ lấy cho thật sướng tay. Thành ra mới có chuyện đi ăn buffet ở Việt Nam cần phải đi sớm, nếu không sẽ chẳng còn gì để dùng.
Tiết kiệm: cần có một thói quen
Thói quen tiết kiệm làm nên một quốc gia hùng mạnh như nước Nhật ngày nay. Quan chức Nhật Bản mỗi khi đi công tác người ngoài, họ chỉ thuê nhà nghỉ bình dân, không bao giờ ở những khách sạn sang trọng.
Trong giai đoạn khủng hoảng năng lượng, mọi người run lập cập trong mùa đông vì không dám bật máy điều hòa đủ ấm là điều dễ bắt gặp ở các công sở. Để hình thành thói quen như vậy, người Nhật đã được giáo dục từ nhỏ, họ luôn ý thức được vai trò của việc tiết kiệm, đặc biệt là tiết kiệm công đối với bản thân và đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm về tiết kiệm là: “Tiết kiệm là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi, không phải là bủn xỉn, mà những việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng”.
Mỗi người dân Việt cần học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và tạo một thói quen tốt như người Nhật. Chúng ta có thể tiết kiệm từng đồng bạc lẻ cho bản thân, thì tại sao lại không tiết kiệm cái chung của đất nước.
Không chỉ người trẻ mà tất cả mọi người hãy chung tay xây dựng một xã hội tiết kiệm không chỉ để vượt qua khó khăn hiện tại mà còn vì thế hệ tương lai. Hãy đừng để tiết kiệm nơi công cộng chỉ là khẩu hiệu.
Lê Hồng Thái