Trong cuộc sống, tôi phải thừa nhận một điều rằng cái gì cũng có hai mặt của nó. Cách giáo dục con cái cũng vậy. Có những người đồng tình với cách dạy bằng đòn roi, có người lại muốn con nên người từ lời lẽ. Nhưng cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Có lẽ những người làm cha làm mẹ phải chọn cách dạy dỗ phù hợp với con cái mình.
Tôi muốn kể cho mọi người nghe một câu chuyện về gia đình mình. Bố tôi là một người khó tính và nghiêm khắc. Những đứa nhỏ làng tôi chẳng đứa nào nghe tên ông mà không sợ. Bốn chị em tôi cũng vậy.
Mẹ mất khi tôi được 9 tuổi nên bố đã dạy dỗ chị em tôi từ những điều nhỏ nhất. Bây giờ, các chị tôi thường trêu: “Đi lấy chồng rồi mà nghe giọng bố vẫn giật mình tưởng bị quát”.
Chuyện thật như đùa, ngày chị cả sắp lấy chồng vẫn bị bố bắt nằm ra giường đánh. Và chị em tôi lớn lên không ai thoát khỏi những trận đòn của bố. Chúng tôi trở thành những đứa con ngoan như thế. Ít ra cũng được mọi người trong làng khen, dù có chị chỉ học hết cấp 2. (xem thêm: Bố đanh con hàng trăm trận đòn )
Chị cả tôi đi lấy chồng, nhà cũng làm nông nghiệp. Chị sinh được đứa con gái đầu lòng rất thông minh, lém lỉnh. Nhưng không ai biết rằng đứa bé ấy giờ sinh hư làm cả nhà không vui. Người bảo nó được ông bà nuông chiều, người bảo bố mẹ không quan tâm đến nó, người bảo nhẹ không được phải đánh nó mới nghe…
Chị tôi có đánh con. Nhiều lần đến chơi tôi thấy chị đánh nó đau lắm nhưng tại sao nó vẫn không nghe lời? Cũng như người ta bị bệnh vậy, có người uống thuốc sẽ khỏi, có người càng uống lại càng nhờn thuốc. Tôi không thấy nó khóc.
Tết vừa rồi tôi được nghỉ sớm, về nhà cũng rảnh việc nên ra giúp chị mấy buổi vì chị đi buôn nên cố làm cuối năm để có cái tết đầy đủ. Lúc này tôi mới có nhiều thời gian nói chuyện với con gái chị.
Nó đã 13 tuổi rồi, thời gian trôi đi nhanh quá. Suốt những ngày ra làm giúp chị, tôi mới thấy được cái mà mọi người vẫn lời qua tiếng lại: sao nó hư thế?
Con bé sống nội tâm, nhưng lại rất trẻ con. Có vẻ nó quý tôi và hay tâm sự với tôi. Tôi nhận ra rằng trong đầu nó bên cạnh những suy nghĩ đúng thì còn không ít những suy nghĩ lệch lạc.
Nhiều lúc nó bảo: “Dì ơi, tại sao người ta cứ thiên vị con trai hơn con gái vậy?” rồi “Bố mẹ chẳng hiểu gì hết”. Nó đang bị bế tắc về tâm lý chứ không phải thiếu những trận đòn. (xem thêm: Con gái bỏ học, đua xe vì cha mẹ đánh nhau )
Bố mẹ đánh hay mắng nhiều cũng thành quen và khi đã thích nghi được, mọi thứ đều trở nên bình thường. Nhưng có lúc tủi thân, nó đã khóc. Tôi không thể tin được nó đã có ý nghĩ tự tử khi mới 10 tuổi.
Đến bây giờ khi nó lớn hơn, nó dần thay thế ý nghĩ đó bằng một thái độ khác: “bất cần” (mặc dù mới chỉ ở mức độ mầm mống). Thử hỏi lớn hơn chút nữa, khi nó lên cấp 3, sự thay đổi của môi trường sống sẽ đưa nó đến đâu nếu cứ tiếp tục như vậy?
Tại sao anh chị thay vì những trận đòn roi đã quá quen thuộc lại không cố gắng lắng nghe xem con cái đang nghĩ gì để có cách giải quyết phù hợp? “Yêu cho roi cho vọt”, hẳn khi đánh con, bố mẹ nào cũng muốn con cái nên người rồi một ngày nào đó nó sẽ hiểu tấm lòng của bậc làm cha làm mẹ ấy. Nhưng có thể mang lại mặt tốt thì hẳn cũng sẽ mang lại mặt xấu. Giống như phản ứng hóa học luôn có sản phẩm phụ không mong muốn vậy.
Cùng là chuyện gia đình của tôi, cùng là một cách nuôi dạy con cái nhưng kết quả lại khác nhau. Vì vậy tôi nghĩ mọi người hãy hiểu con cái mình trước khi quyết định dạy dỗ chúng bằng cách nào.
>> Xem thêm: Vì sao nhiều cha mẹ Việt hay đánh con
Tuyết Nhung
Chia sè bài viết về cách dạy con tại đây