Tôi chứng kiến được nhiều trường hợp cha mẹ đánh con cái. Thật ra lúc nhỏ tôi cũng từng bị mẹ đánh nhưng rất ít và những lần bị đánh đều đúng cả. (Xem thêm: Bố đánh con hàng trăm trận đòn )
Tôi nhớ nhà hàng xóm có một ông bố đi bộ đội về giáo dục con cái theo kiểu hành hạ. Ông bắt đứa bé gái quỳ gối trên đường sỏi đá, hai tay cầm 2 cục đá giang ngang. (Xem thêm: Cha mẹ bất lực mới lột trần con, trói cột điện) Thế nhưng, đến bây giờ thì cô bé ấy hư toàn tập, bỏ học, chạy xe gây tai nạn, yêu đương sớm. Chuyện cô bé ấy chửi ba mẹ thì cả xóm ai cũng biết.
Cũng có một lần tôi vô tình thấy một ông bố đánh một cô bé con chừng 8 tuổi do nghịch lửa. Ông bố cao to, mà đánh phát nào là thiệt tình phát ấy, khi đánh mắt ông trợn lên, la hét ầm ĩ. Nói thật chứ người lớn còn đau huống hồ con nít. Lúc đó tôi nghĩ ông bố này thật ra chỉ đang đánh cho hả cơn tức giận chứ không phải để răn dạy con mình.
Tất nhiên cha mẹ cho con cái mình là "hư" mới đánh. Nhưng hãy suy nghĩ lại khái niệm "hư" là như thế nào. "Hư" là học không giỏi? "Hư" là hay cãi lời cha mẹ? "Hư" là con cái nghịch ngợm?
Tôi không cho đó là hư nhưng người khác lại bảo là hư. Nếu các bạn chịu khó đọc một số sách tâm lý trẻ em, sẽ thấy rằng trẻ em có nhiều dạng trẻ, mà mỗi em đều có cách hàng xử khác nhau.
Vậy chúng hành xử khác chúng ta và chúng khác mọi người là điều bình thường. Việc bắt một đứa bé nghịch ngợm ngồi yên cũng là địa ngục cũng như bắt ông bố cai thuốc lá hoặc một bà mẹ thôi càm ràm.
Tôi không tiếp xúc nhiều với giáo dục phương Tây, nhưng tôi nghĩ do nền kinh tế phát triển hơn, nền giáo dục không chỉ là dạy học mà còn quan tâm đến tâm lý của trẻ em nên cha mẹ có được tư vấn về tâm lý trẻ em. Họ phản ứng bình thường với những hành động của trẻ con mà chúng ta cho là "hư". Họ muốn con mình trở thành người thành đạt, sáng tạo, khác biệt.
Còn cha mẹ châu Á muốn con mình ngoan, thành đạt theo như những gì mình mong muốn. Chính từ tư tưởng đó mà cha mẹ thấy thất vọng khi con cái mình học tệ hơn con bạn mình, hoặc con mình phá phách trong khi con bạn mình học chơi dương cầm. Rồi quy kết rằng con mình hư.
Tôi thấy rằng cha mẹ có đánh con cái hay không thì không chắc là có đem lại hậu quả mà vì chính lối sống của cha mẹ mới làm cho con cái tốt lên. Tôi không đánh đồng nhưng hầu như con cái trong gia đình có học thì sẽ nên người.
Cha mẹ trong gia đình cô bé lúc đầu tôi nói thường xuyên đánh nhau với hàng xóm, thử hỏi làm sao con cái thành người. Con cái chính là sự phản ánh chân thực lối sống của cha mẹ. Các bậc cha mẹ có chắc rằng mình luôn yêu thương ông bà, luôn nói lời tốt đẹp với anh chị em trong nhà, không xả rác bừa bãi, luôn xếp hàng khi mua sắm, không rượu chè bê tha ... ?
Tôi nhớ hàng tuần là mẹ tôi lại đi mua bánh, trái cây sang cho nhà ngoại. Mặc dù nhà tôi nghèo và bà ngoại cũng nói là mẹ không cần phải mua gì hết.
Nhưng đều đặn mấy chục năm tôi thấy mẹ cứ hàng tuần là thăm ngoại dù trời nắng hay mưa, dù hai mẹ con có cãi nhau ỏm tỏi. Mẹ nói rằng cuộc sống không có "tại, bởi, bị", có những chuyện phải làm ngay như việc chăm sóc bố mẹ. Chính điều đó còn hơn hàng trăm hàng ngàn lời khuyên, quyển sách hay đòn roi.
Cát Thanh
Chia sẻ bài viết về cách giáo dục con tại đây .