Trong những tuần gần đây, trên Instagram và Tiktok, người dùng lan truyền đoạn video cho thấy xét nghiệm nhanh cho kết quả dương tính khi ngâm trong nước trái cây hoặc đặt dưới vòi nước chảy. Những video này được chia sẻ ít nhất 140.000 lượt. Dựa vào đó, nhiều người cho rằng kit xét nghiệm kháng nguyên tại nhà đưa ra chẩn đoán sai lệch.
Tiến sĩ Glenn Patriquin, tác giả nghiên cứu về độ chính xác của xét nghiệm Covid-19 xuất bản trên tạp chí của Hiệp hội Sinh học Mỹ, cho biết kit kháng nguyên cho kết quả dương tính khi tiếp xúc với một số loại chất lỏng gia dụng, tuy nhiên, vẫn chính xác khi sử dụng đúng cách ở người.
"Sử dụng chất lỏng có thành phần hóa học khác với hướng dẫn có thể cho kết quả sai lệch", theo tiến sĩ Patriquin.
Trước đó, một số bộ kit bị lỗi. Năm ngoái, công ty Ellume của Australia phải thu hồi khoảng hai triệu xét nghiệm kháng nguyên xuất khẩu đến Mỹ do kết quả dương tính, âm tính giả. Song các kit thử đã vượt qua kiểm định hầu hết chính xác khi sử dụng đúng cách.
Ngày 29/12, trang web The Gateway Pundit chuyên truyền bá các thuyết âm mưu xuất bản bài báo ám chỉ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) rút giấy phép của tất cả xét nghiệm PCR. Bài viết thu về 22.000 lượt thích, bình luận và chia sẻ trên Facebook, Twitter.
Thực tế, CDC chỉ rút giấy phép sử dụng khẩn cấp của một loại kit xét nghiệm. Sau đó, cơ quan đã phê duyệt hàng trăm loại kit từ các nhà sản xuất khác. Dù vậy, các bài viết tuyên bố CDC thu hồi toàn bộ xét nghiệm PCR vẫn tràn lan trên Facebook.
Nhiều người chia sẻ thông tin sai lệch, cho rằng xét nghiệm PCR không thể phân biệt giữa Covid-19 và cúm. Trong khi trên thực tế, CDC chỉ khuyến nghị người dùng sử dụng các bộ kit có thể chẩn đoán được cả hai loại bệnh.
Trên Youtube, kênh Canada Rebel News đăng tải video có tiêu đề "Lật tẩy xét nghiệm kháng nguyên" ngày 1/1. Đến nay, đoạn clip nhận được 40.000 lượt xem với phần bình luận ngập tràn thông tin sai lệch. "Rõ ràng mục đích của các xét nghiệm này là giữ số ca nhiễm nCov cao nhất nhằm duy trì sự sợ hãi, khuyến khích các hạn chế xã hội và tất nhiên là thu về lợi nhuận", một người dùng viết. Bình luận này thu về 200 lượt thích.
Các nhà nghiên cứu cho biết thông tin sai lệch về kit xét nghiệm Covid-19 tăng đột biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong những tuần gần đây, khi số ca nhiễm một lần nữa gia tăng trên toàn thế giới.
Tin giả bùng nổ có thể cản trở nỗ lực cộng đồng trong việc kiểm soát đại dịch. Trước đây, các thuyết âm mưu chủ yếu tập trung vào vaccine, khẩu trang và mức độ nghiêm trọng của virus. Theo các chuyên gia, những cá nhân, tổ chức tạo ra nội dung dạng này với mục đích phá hoại những biện pháp kiểm soát Covid-19. Thông tin sai lệch là yếu tố chính dẫn đến thái độ hoài nghi vaccine của công chúng.
Hiện tin giả và thuyết âm mưu phổ biến nhất là xét nghiệm PCR không hiệu quả, test tại nhà không đáng tin vì khi ngâm vào các chất lỏng khác nhau cho kết quả dương tính... Theo thống kê của hệ thống theo dõi truyền thông Zignal Labs, lưu lượng của các chủ đề này trên mạng xã hội tăng đột biến trong ba tháng cuối năm 2021, lên hàng nghìn lượt đề cập thay vì chỉ vài chục lượt như năm 2020.
Kolina Koltai, nhà nghiên cứu Đại học Washington, cho biết nhu cầu xét nghiệm do Omicron và tỷ lệ ca nhiễm đột phá tăng là "thời điểm lý tưởng" để nhiều người tạo ra nội dung sai lệch. Bà cho biết, có những người hoàn toàn ủng hộ luận điểm sai lầm rằng "không nên tin tưởng vào dữ liệu về ca nhiễm và tử vong của chính phủ".
Theo các chuyên gia, không có xét nghiệm y tế nào là hoàn hảo. Câu hỏi về độ chính xác của các kit xét nghiệm Covid-19 xuất hiện rất nhiều trong suốt đại dịch. Thực tế, luôn có nguy cơ người dùng nhận được kết quả âm tính hoặc dương tính giả. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết xét nghiệm cho kết quả sai lệch khi người dùng không tuân thủ hướng dẫn sử dụng.
Theo các chuyên gia, kiến thức của người dân về Covid-19 ngày càng tăng, song việc lật tẩy các thuyết âm mưu lan truyền trên mạng xã hội vẫn là thách thức.
"Khoa học luôn cập nhật và thay đổi, điều này khiến việc xử lý thông tin sai lệch trở nên cực kỳ khó khăn", bà Koltai nói.
Các nhà nghiên cứu cho biết tin giả gia tăng bất chấp nỗ lực trấn áp của công ty truyền thông xã hội. Nhiều thuyết âm mưu đã xuất hiện từ trước, sau đó được lan truyền trở lại khi dịch bệnh nóng lên. Chúng được đính chính trong vài ngày nhưng không biến mất hoàn toàn.
Gateway Pundit đã đăng tải lại tin giả về kit PCR vào cuối năm ngoái, lượng tương tác tăng gấp đôi. Trên Instagram, ảnh chụp màn hình của bài báo cũng lan truyền nhanh chóng, thu về hàng trăm lượt thích. Tình trạng tương tự xảy ra với các bài đăng về việc kit xét nghiệm tại nhà cho kết quả dương tính với nước hoa quả.
John Gregory, phóng viên y tế tờ NewsGuard nhận định thông tin sai lệch tràn lan cùng với thời điểm các đợt bùng phát trở nên nghiêm trọng hơn. "Dù tình hình thực tế ra sao, họ cũng tìm được lý do riêng để phá hoại nó", ông nói.
Đối với tiến sĩ Koltai, tin giả trỗi dậy sau gần một năm lắng xuống cho thấy sức mạnh của các luận điệu sai lệch. "Chúng có thể phát triển mạnh khi bám vào một sự kiện thực tế. Đó là cách mà tin giả đạt đỉnh vào những thời điểm khác nhau", bà nói.
Thục Linh (Theo NY Times)