Ngày 27/12, bà Lệ Thu (Giám đốc Truyền thông Bệnh viện FV) - đơn vị có tên trên tờ giấy này, cho biết bệnh viện không cấp giấy xác nhận khi bệnh nhân đến xét nghiệm có kết quả dương tính. Bệnh viện chỉ cấp giấy xác nhận âm tính với Covid-19 bằng kỹ thuật RT-PCR, gồm đầy đủ thông tin của bệnh nhân như: tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân (căn cước công dân), số hộ chiếu, đặc biệt phải có mã QR xác thực riêng cho từng mẫu xét nghiệm.
Trường hợp bệnh nhân có kết quả dương tính với Covid-19, Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn sẽ thông báo ngay cho bệnh nhân bằng hình thức trực tiếp hoặc qua điện thoại và sau đó là email. Bệnh viện cũng báo cáo chi tiết với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM.
"Trên hệ thống dữ liệu của bệnh viện không ghi nhận trường hợp nào có tên, ngày tháng năm sinh và địa chỉ như trong tờ giấy giả mạo này", bà Thu nói và cho biết bệnh viện đã báo cáo trường hợp này với Sở Y tế TP HCM.
Hiện, TP HCM chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm biến chủng Omicron. Theo Sở Y tế, việc tạo dựng tài liệu giả và lan truyền thông tin giả mạo này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động phòng chống dịch Covid-19 của thành phố mà còn gây hoang mang cho người dân. Ngành y tế khuyến cáo người dân cập nhật, nắm bắt các thông tin từ nguồn chính thống, không chia sẻ, lan truyền các thông tin bịa đặt, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến kết quả phòng chống dịch.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu (Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM) cho biết muốn biết ca nhiễm thuộc biến chủng gì phải giải mã trình tự gene virus. Tại khu vực phía Nam, Viện Pasteur TP HCM, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM phối hợp với Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford có thể giải trình tự gene nCoV.
TP HCM đã lên kế hoạch ứng phó biến chủng Omicron với 8 hoạt động trọng tâm. Trong đó, thành phố tập trung giám sát chặt chẽ, chủ động phát hiện sớm trường hợp nhiễm biến thể này bằng cách xem xét dấu hiệu thiếu gene S trong các mẫu xét nghiệm RT-PCR dương tính với nCoV, làm xét nghiệm giải trình tự gene tất cả ca nhiễm là người nhập cảnh trong vòng 28 ngày, người tái nhiễm Covid-19.
Chính quyền thành phố yêu cầu các địa phương sớm tiêm vaccine phòng Covid-19 liều bổ sung, liều nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế, ưu tiên nhóm nguy cơ; vận động và tiêm vaccine Covid-19 cho những người chưa tiêm, nhất là những người lớn tuổi, bệnh nền.
Biến chủng Omicron (B. 1.1.529) được Nam Phi lần đầu tiên báo cáo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày 24/11, sau khi số ca nhiễm ở tỉnh Gauteng tăng mạnh những tuần trước đó. Hiện, số ca nhiễm Omicron gia tăng trên khắp Nam Phi và đã xuất hiện ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có các nước châu Á - Thái Bình Dương như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Ấn Độ...
WHO đã xác định đây là biến chủng đáng lo ngại vì một số báo cáo ở Nam Phi cho thấy tốc độ lây lan nhanh chóng của biến chủng mới này, nhiều khả năng Omicron sẽ lây lan ở mức độ toàn cầu.