Tin đồn về các cách chữa trị, sự kỳ thị, "thuyết âm mưu" về Covid-19 đã lan truyền bằng 25 ngôn ngữ tại ít nhất 87 nước. Hàng trăm người vì tin nó đã áp dụng thử dẫn đến tử vong, hàng nghìn người nhập viện.
Theo kết quả nghiên cứu đăng hôm 10/8 trên tạp chí Mỹ Tropical Medicine and Hygiene, các tin đồn về "phương pháp chữa trị" Covid-19 bao gồm uống thuốc tẩy, ăn tỏi, giữ ẩm họng, tránh đồ ăn cay, uống một số nhóm vitamin, uống nước tiểu bò.
Khi thế giới đổ dồn chú ý vào sự xuất hiện, phát triển của nCoV và đại dịch toàn cầu, các "thông tin về dịch bệnh", hoặc tình trạng "quá tải thông tin" khiến cộng đồng khó tiếp cận các nguồn đáng tin cậy.
"Tin giả bắt nguồn từ những lời đồn, định kiến và thuyết âm mưu có thể có tác động nghiêm trọng tới cá nhân, cộng đồng nếu chúng được ưu tiên hơn hướng dẫn dựa trên bằng chứng", nhóm nghiên cứu từ nhiều tổ chức khác nhau tại Bangladesh, Australia, Thái Lan, Nhật Bản cho biết.
Ấn Độ, Mỹ, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Indonesia, và Brazil là những quốc gia tin giả lan truyền rộng rãi nhất.
Nhóm nghiên cứu trích xuất thông tin từ một loạt các nền tảng trực tuyến, gồm mạng xã hội và trang web của mạng truyền hình, từ ngày 31/12/2019 tới 5/4 năm nay. Phân tích nội dung, họ phát hiện 2.311 báo cáo về tin đồn, sự kỳ thị và thuyết âm mưu được viết trên 25 ngôn ngữ từ 87 quốc gia. Trong hơn 2.200 báo cáo văn bản, có tới 86% tuyên bố là sai sự thật.
Trong ba dạng lan truyền thông tin giả, tin đồn phổ biến nhất (89%), phần lớn liên quan tới bệnh Covid-19, sự lây truyền của bệnh và tử vong.
Lời đồn khá phổ biến là khuyên mọi người nín thở hơn 10 giây để chẩn đoán có nhiễm nCoV hay không. Lời đồn khác tuyên bố uống rượu có nồng độ cồn cao có thể khử trùng cơ thể và tiêu diệt nCoV.
Các tin đồn như "trứng gia cầm nhiễm nCoV", "uống thuốc tẩy có thể giết nCoV" cũng được lan truyền rộng rãi.
Báo cáo về sự kỳ thị bao gồm những người gốc Á bị đổ lỗi vì lây lan nCoV, trong khi các thuyết âm mưu phân loại Covid-19 như một loại vũ khí sinh học do các cơ quan quốc tế tạo ra.
Theo các nhà nghiên cứu, những thông tin sai lệch này khiến khoảng 800 người chết, 5.876 người phải nhập viện và 60 người bị mù hoàn toàn sau khi uống methanol như một "loại thuốc chữa Covid-19".
Để gỡ rối các thông tin sai lệch", nhóm tác giả nghiên cứu khuyến cáo "các cơ quan y tế phải theo dõi các tin giả liên quan tới Covid-19 trong thời gian thực, đồng thời thu hút sự quan tâm của các cộng đồng địa phương và các tổ chức chính phủ".
Lê Hằng (Theo Fox News, CNN)