Trưa 29/8, Nguyễn Trí Dũng, chuyên viên bảo mật tại một tập đoàn công nghệ lớn tại TP HCM liên tục nhận được tin nhắn của bạn bè cảnh báo việc bị mất thông tin tài khoản ngân hàng, điện thoại bị điều khiển từ xa... khi nhận cuộc gọi từ số lạ hỏi về việc tiêm phòng vaccine.
Cụ thể, tin nhắn viết: "Phụ huynh công an gửi cho em cái này nhé: Vừa rồi, đồng nghiệp của tôi nhận được một cuộc gọi hỏi rằng anh ấy đã được tiêm phòng chưa. Nếu anh ta đã được tiêm phòng, hãy nhấn phím 1. Nếu anh ta chưa được tiêm phòng, nhấn phím 2. Kết quả là anh ta nhấn phím 1, điện thoại bị chặn và thông tin ngân hàng trực tuyến và thanh toán thường xuyên sử dụng của anh ta đều được chuyển". Theo cảnh báo, chỉ cần bấm theo hướng dẫn, trong 3 giây, người dùng đã bị chiếm thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP, điện thoại bị vô hiệu hóa...
"Mọi người rất hoang mang, nhờ tôi kiểm tra xem thông tin này có đúng không. Trên nhiều hội nhóm tôi tham gia, mọi người cũng bàn tán xôn xao về sự việc. Đoạn tin nhắn xuất hiện dày đặc trên khắp các mạng xã hội", Dũng kể.
Chiều 29/8, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) khẳng định thông tin "Công an cảnh báo lừa đảo chiếm đoạt thông tin cá nhân" đang được lan truyền trên mạng là giả mạo. Việc này sẽ được chuyển tới các cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.
VAFC cũng khuyến cáo không chia sẻ tin giả trên. Khi có yêu cầu hỗ trợ liên quan dịch bệnh, người dân hãy gọi cho đường dây nóng của chính quyền địa phương, ngành y tế, công an và lực lượng chức năng khác.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua có dấu hiệu gia tăng. Thống kê của VAFC cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, trung tâm nhận được hơn 1,1 nghìn lượt báo cáo tin giả. Sau quá trình xác minh, trung tâm này đã công bố dán nhãn 38 tin giả, tin sai sự thật. Nhiều nội dung trong số này liên quan đến Covid-19 tại Việt Nam.
Ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT, cho biết, tin giả xuất hiện nhiều nhất trên các mạng xã hội xuyên biên giới, như Facebook, YouTube và TikTok. Ông cũng nhấn mạnh, tình trạng tin giả, tin gây kích động xuất phát từ những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội.
Trước đó, tin "hình ảnh xác chết do Covid-19 tại TP HCM" được VAFC xác nhận là ảnh chụp tại bệnh viện Myawaddy - Myanmar. Thông tin "một người ở TP HCM tự thiêu vì phẫn uất với các chống dịch" cũng được xác định là tin sai sự thật. Người tự thiêu này có chứng nhận khuyết tật thần kinh và đã được đưa đi cấp cứu...
Khương Nha