"Từ tháng 2/2020, chúng tôi đã xóa hơn 1 triệu video liên quan đến những thông tin nguy hiểm về virus corona, chẳng hạn các cách chữa bệnh sai, hoặc thông tin lừa bịp. Giữa một đại dịch trên toàn cầu, mọi người nên được trang bị những thông tin tốt nhất để có thể giữ an toàn cho bản thân và gia đình", ông Mohan viết trên blog tuần này.
Để xác định đâu là các nội dung độc hại, đại diện YouTube cho biết đã tham khảo ý kiến và nhận được sự đồng thuận từ các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC).
Ông Mohan cũng thừa nhận, xác định một video có nội dung đúng hay sai không đơn giản, do thông tin trái chiều từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên, YouTube sẽ không "tự thiết lập ranh giới" đâu là tin sai lệch, mà dựa vào các kết quả được kiểm chứng.
Trên blog, Neal Mohan cũng chia sẻ, trung bình mỗi quý, YouTube xóa khoảng 10 triệu video vi phạm nói chung. Phần lớn đều bị gỡ khỏi dịch vụ khi chưa đạt được 10 lượt xem. Tổng lượt xem các video vi phạm chính sách của hãng hiện chiếm khoảng 0,16 - 0,18% tổng lượt xem trên nền tảng này.
Một số video bị YouTube xóa cũng gây ra nhiều tranh cãi. Mới đây, YouTube cũng xóa video và cấm đăng một tuần với hãng truyền thông Sky News Australia. Một số video trên kênh này được cho là đã phát tán thông tin sai lệch về Covid-19, như phủ nhận sự tồn tại của virus corona, hay có thể sử dụng Hydroxychloroquine và Ivermectin để điều trị bệnh.
YouTube sau đó chia sẻ rằng, dù chưa đủ dữ kiện để đánh giá những video này là sai lệch, chúng có thể gây ra những tác hại ngoài đời thực. Trong khi đó, Sky News cho rằng các cáo buộc của YouTube là không chính xác.
Theo báo cáo minh bạch của YouTube giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, nền tảng này đã xóa khoảng 9,57 triệu video vi phạm chính sách, trong đó 85% là các video có nội dung spam, lừa đảo hoặc đăng thông tin sai lệch. Việt Nam đứng thứ 7 thế giới với 228.000 video vi phạm chính sách được đăng tải từ các IP trong nước.
Lưu Quý