Ngày 16/12, đại diện Bộ Giao thông Vân tải cho hay, cơ quan này đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư nêu trên. Đây là dự án thành phần cao tốc Bắc Nam đầu tiên theo hình thức PPP tìm được nhà đầu tư.
Trong tháng này, Bộ Giao thông Vận tải sẽ đàm phán và ký kết hợp đồng dự án với nhà đầu tư. Sau đó, doanh nghiệp có 6 tháng huy động vốn tín dụng từ ngân hàng. Nếu không có hợp đồng tín dụng, hợp đồng thực hiện dự án sẽ bị bãi bỏ.
Cũng theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam còn lại theo hình thức PPP gồm Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo đang được Bộ thẩm định kết quả lựa nhà đầu tư, dự kiến hoàn thành trong tháng 12.
![Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm sẽ kết nối với các đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây đến cao tốc Long Thành hiện nay. Ảnh: Phước Tuấn.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/12/16/duong-4284-1608084556.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9c4aaNP8tqs-A9uW1_G87g)
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm sẽ kết nối với các đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây đến cao tốc Long Thành hiện nay. Ảnh: Phước Tuấn
Dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm có tổng vốn đầu tư là 5.536,15 tỷ đồng, gồm vốn nhà đầu tư khoảng 2.556 tỷ đồng, vốn nhà nước tham gia khoảng 2.979 tỷ đồng. Thời gian xây dựng dự kiến 2 năm, thu phí 16 năm 3 tháng.
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài 49 km, điểm đầu tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh; điểm cuối tại xã Cam Thịnh Tây, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Dự án được thiết kế 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km/h, giai đoạn một quy mô 4 làn xe thiết kế với vận tốc 80 km/h.
Năm 2017, Quốc hội đã quyết định đầu tư 11 dự án thành phấn cao tốc Bắc Nam, trong đó, có 8 dự án được đầu tư theo hình thức PPP, 3 dự án đầu tư công. Giữa năm 2020, Quốc hội đã quyết định chuyển thêm 3 dự án PPP sang hình thức đầu tư công. Trong 5 dự án còn lại, hai dự án không có nhà đầu tư tham gia sau khi mời thầu, còn lại ba dự án có nhà đầu tư tham gia, đang được Bộ Giao thông Vận tải thẩm định, lựa chọn.