Apple hiện là công ty có giá trị nhất trên thế giới với hơn một tỷ người sử dụng thiết bị của hãng và hàng chục triệu nhà phát triển xây dựng doanh nghiệp trên nền tảng phần mềm của Apple. Từ sau khi Tim Cook tiếp quản vị trí CEO từ Steve Jobs ngày 24/8/2011, giá trị vốn hóa thị trường của Apple đã tăng khoảng 600% lên gần 2,5 nghìn tỷ USD.
Trong khi Steve Jobs nổi tiếng với khả năng tạo ra các thiết bị đột phá, thay đổi hoàn toàn trải nghiệm công nghệ của người dùng, Cook tập trung hơn vào việc mở rộng hệ sinh thái Apple - xây dựng một bộ dịch vụ và sản phẩm phần cứng khác bổ sung cho mảng kinh doanh iPhone cốt lõi mà Jobs đã lập ra.
Dưới thời Cook, Apple từ một nhà sản xuất thiết bị cao cấp trở thành một công ty lớn, đa lĩnh vực từ dịch vụ thanh toán đến xưởng sản xuất phim và truyền hình. Ông thực hiện quá trình thâu tóm hơn 100 công ty, nổi bật là thương vụ sáp nhập Beats trị giá 3 tỷ USD năm 2014 và mua lại mảng kinh doanh modem smartphone của Intel với giá 1 tỷ USD năm 2019.
Dưới sự dẫn dắt của Cook, Apple thành công vượt qua một loạt mối đe dọa từ bên ngoài, trong đó có sự ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và Covid-19. Nhưng Apple cũng có một số quyết định sai lầm, như cố tình làm chậm iPhone cũ thông qua các bản cập nhật, hay làm ngơ trước điều kiện lao động kém tại nhà máy của các nhà cung cấp.
Điều Tim Cook chưa làm được là cho ra mắt một sản phẩm đột phá như iPhone, nhưng thay vào đó, ông lại xuất sắc trong việc thúc đẩy Apple phát triển nhanh chóng mà không cần đến các đột phá công nghệ hào nhoáng.
Mike Bailey, Giám đốc nghiên cứu tại FBB Capital Partners, nhận định: "Việc Tim Cook tiếp quản vị trí CEO từ Steve Jobs là cuộc chuyển giao thành công nhất trong lịch sử kinh doanh. Apple thời điểm đó cần một người lãnh đạo biết phát huy điểm mạnh của công ty giống như Tim Cook, không phải là một người biết xây dựng lại Apple. Kỹ năng duy trì đế chế trái ngược với xây dựng một đế chế".
Chuyển hướng tập trung vào dịch vụ
Một tháng sau khi nhậm chức CEO, Cook công bố sự ra mắt của iPhone 4S. Kể từ đó, Apple đã giới thiệu thêm gần 20 phiên bản iPhone với mức giá khác nhau, cùng các thế hệ iPad, Mac và MacBook mới. Hãng cũng tung ra các sản phẩm phần cứng mới khác nhau, nhưng thành công nhất vẫn là Apple Watch vào năm 2015 và AirPods vào năm 2016.
Ngoài những thiết bị mới, Apple cũng dần chuyển mình trở thành một công ty kinh doanh dịch vụ.
"Nếu nhìn từ quan điểm phần cứng, bạn có thể lập luận rằng các sản phẩm gần đây của Apple mang tính lặp lại nhiều hơn là cách mạng, nhưng điều đó không làm giảm đi đóng góp của Tim Cook cho công ty", nhà phân tích Tom Forte của Davidson nói. "Ông ấy đã mở rộng khái niệm Apple là gì. Apple có thể là dịch vụ thuê bao âm nhạc, là dịch vụ đăng ký tập thể dục, chứ không chỉ có App Store".
Ngay trong 5 năm đầu của nhiệm kỳ, Cook đã tạo ra doanh thu đáng kể từ bộ phận dịch vụ của mình, bao gồm các sản phẩm như iCloud, Apple Podcasts và Apple Music. Vào tháng 1/2016, Apple lần đầu tiết lộ đã tạo ra hơn 20 tỷ USD doanh thu từ dịch vụ trong năm trước đó.
Apple kể từ đó tung ra nhiều dịch vụ hơn nữa, như Apple Arcade, Apple TV + và Apple Fitness +. Trong năm tài chính 2020, hãng đạt gần 53,8 tỷ USD doanh thu dịch vụ, chiếm khoảng 20% tổng doanh thu của công ty.
Viêc tập trung vào dịch vụ cho phép Apple bớt phụ thuộc vào doanh số iPhone, vốn có thể biến động từ quý này sang quý khác, thậm chí có lúc sụt giảm dưới thời Cook.
Bailey của FBB cho biết: "Cook vẫn sẽ dồn trọng tâm cho iPhone, nhưng ngoài sản phẩm chủ chốt này, ông có thể đẩy mạnh hoạt động kinh doanh dịch vụ để giải quyết vấn đề doanh số trong tương lai".
Apple vẫn đạt lợi nhuận khổng lồ từ việc bán iPhone. Nhưng giờ đây, công ty cũng có lợi nhuận biên cao hơn, nhất quán hơn từ các dịch vụ đăng ký nhằm giữ chân khách hàng trong hệ sinh thái của Apple. Các dịch vụ cũng mang lại cho người tiêu dùng nhiều lý do hơn để chọn phần cứng Apple, giúp công ty kiếm được nhiều tiền hơn từ mỗi người dùng.
Ai sẽ thay thế Tim Cook dẫn dắt Apple
Cook từng nói rằng ông có kế hoạch rời Apple trong vòng 10 năm nữa. Theo Bloomberg, CEO Apple có thể ở lại Apple ít nhất đến năm 2025. Ông được cho là sẽ tiếp tục gắn bó với công ty với mục tiêu phát hành thêm một danh mục sản phẩm mới. Sản phẩm đó dự kiến là kính AR vào năm 2025.
Nếu Cook nghỉ hưu trong thời gian tới, giới phân tích cho là sẽ không ai phù hợp hơn Jeff Williams để tiếp quản vị trí CEO. Williams, 57 tuổi, luôn được coi là người kế nhiệm xứng đáng của Cook với kinh nghiệm điều hành hoạt động toàn cầu của công ty nhiều năm qua. Năm 2013, ông phục trách việc phát triển Apple Watch và các dự án liên quan tới sức khỏe của Apple. Năm 2019, ông cũng giám sát thêm cả việc thiết kế phần cứng và phần mềm.
Trên hết, Williams được báo chí công nghệ mệnh danh là Tim Cook thứ hai khi có nhiều điểm tương đồng với CEO Apple hiện tại, đặc biệt là quan điểm lãnh đạo thực dụng. Ông có xu hướng tập trung vào vận hành, tương tự Cook, hơn là theo đuổi phong cách cải tiến sản phẩm như cố CEO Steve Jobs. Với một thập kỷ thành công nhờ vào công thức Tim Cook, ban lãnh đạo Apple khả năng cao sẽ không mạo hiểm đi theo con đường khác
Đăng Thiên tổng hợp